Hưng Nguyên tham dự phiên họp trực tuyến toàn quốc của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội
Sáng 5/6, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam tổ chức phiên họp trực tuyến với Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc nhằm đánh giá kết quả hoạt động 5 tháng đầu năm 2025 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Tại
điểm cầu Trung ương, đồng chí Nguyễn Thị Hồng – Ủy viên Trung ương Đảng, Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH chủ trì phiên họp. Cùng
tham dự có lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cùng đại diện
các bộ, ngành.
Tại
điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh,
Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh chủ trì.
Tại
điểm cầu huyện Hưng Nguyên, đồng chí Hoàng Anh Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện,
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH huyện chủ trì, với sự tham dự của đại diện Văn
phòng chi nhánh Ngân hàng CSXH Hưng Nguyên và các thành viên Ban đại diện HĐQT
huyện.
Phiên
họp đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách 5 tháng đầu năm, đồng thời
thảo luận việc triển khai Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 về sắp xếp tổ
chức đơn vị hành chính. Tính đến ngày 31/5/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính
sách toàn quốc đạt 410.857 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2024. Trong đó,
nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 61.427 tỷ đồng.
Tổng
dư nợ tín dụng đạt 389.388 tỷ đồng với hơn 6,8 triệu khách hàng. Nguồn vốn này
đã góp phần tạo việc làm cho hơn 404.000 lao động (trong đó 4.500 lao động đi
làm việc có thời hạn ở nước ngoài); hỗ trợ 2.600 người chấp hành xong án tù tái
hòa nhập cộng đồng; giúp gần 13.400 học sinh – sinh viên vay vốn học tập; xây dựng
hơn 751.000 công trình nước sạch, gần 1.900 căn nhà cho hộ nghèo và hơn 4.000
căn nhà ở xã hội.
Tại
phiên họp, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến hiệu quả hoạt
động của hệ thống Ngân hàng CSXH và những tác động của việc sắp xếp đơn vị hành
chính đến tổ chức, nhân sự của Ban đại diện HĐQT các cấp. Nhiều ý kiến đề xuất
giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách không bị gián đoạn sau sáp
nhập.
Phát
biểu kết luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao kết quả
5 tháng đầu năm và đề nghị tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị, triển khai kịp
thời các chương trình tín dụng mới, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW của
Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới.
Thống
đốc cũng nhấn mạnh việc rà soát, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính
sách khi triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo hoạt động tín dụng không
bị ảnh hưởng. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục bố trí nguồn vốn ủy
thác từ ngân sách địa phương đạt tối thiểu 15% tổng nguồn vốn trong giai đoạn
2026–2030. Chủ tịch UBND cấp xã sau sáp nhập tiếp tục phát huy vai trò trong chỉ
đạo nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở./.
Thanh Tâm