Mặc
dù giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện nhà trong những năm qua chỉ chiểm
khoảng 14 – 18 % tổng giá trị trong cơ cấu kinh tế của huyện, song gần 80 %
người dân nông thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan
trọng và được xác định là mũi kinh tế chủ đạo để đảm bảo an ninh lương thực,
tạo nền tảng ổn định, đóng vai trò “Bà đỡ” cho các ngành kinh tế khác phát
triển.
Biến cái khó khăn trở thành lợi thế.
Đặc
thù địa hình đồng ruộng Hưng Nguyên thấp trũng, ở cuối nguồn của Hạ lưu Sông
Lam, nên thường dễ rơi vào tình trạng ngập úng khi mùa mưa đến, hạn hán khốc
liệt lúc nắng nóng xảy ra. Hơn nữa đất đai chủ yếu là đất thịt nặng, khó khăn
trong việc đa dạng hóa cây trồng. Bên cạnh đó trong điều kiện ảnh hưởng của
biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc thì vấn đề trên càng khó khăn cho sản xuất
nông nghiệp.
Tuy
nhiên với lợi thế là vùng phụ cận Thành phố vinh, kế thừa thành quả của ngành
nông nghiệp trong hơn 10 năm qua, người dân Hưng Nguyên đã biết biến cái khó
khăn thành lợi thế. Các địa phương đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây
trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình nông nghiệp
công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Hình thành các vùng chuyên canh cây, con
chủ lực, đi vào thâm canh, phù hợp với từng tiểu vùng, tạo ra khối lượng sản
phẩm hàng hóa lớn, cung cấp cho thị trường Thành phố Vinh và các tỉnh. Lồng
ghép các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn hoàn thiện, đáp
ứng tốt cho phát triển sản xuất, tạo ra sự đổi mới trong tư duy phát triển kinh
tế nông nghiệp. Biến cái không thuận lợi thành lợi thế riêng để nâng cao giá
trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Chính sách phù hợp, định hướng trọng tâm.
Xác
định Lúa nước vẫn là cây trồng chủ lực, hàng năm huyện đã ban hành chính sách
hỗ trợ cho các địa phương liên kết với các doanh nghiệp tập trung xây dựng các cánh đồng mẫu
lớn sản xuất lúa gạo chất lượng cao, kết hợp đưa các giống cây, con mới vào sản
xuất thử, khảo nghiệm trên địa bàn ở các tiểu vùng khác nhau, từ đó làm cơ sở khoa học, đưa các
giống mới có tiềm năng, năng suất, chất lượng cao vào thay thế các giống cũ,
nâng cao hiệu quả đối với sản xuất lúa gạo.
Để
khai thác tiềm năng, lợi thế vùng bãi ven sông Lam. UBND huyện đã chú trọng đầu
tư hạ tầng giao thông vùng bãi, hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp công
nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thu hút được nhiều tổ
chức, cá nhân, đầu tư xây dựng các khu nhà lưới, nhà kính, đưa các tiến bộ KHKT
mới vào sản xuất ở các trang trại, tạo ra đa dạng sản phẩm nông nghiệp sạch, an
toàn.
Nhiều
địa phương đã tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa, khuyến khích phát triển kinh
tế trang trại, áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Lấy chăn nuôi đại
gia súc làm mũi nhọn. Trong đó chú trọng đẩy mạnh chương trình Zebu hóa đàn Bò
đối với các xã dọc sông Lam. Gắn
kết giữa sản xuất với hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá sản phẩm,
xây dựng sản phẩm Ocop. Khai thác các vùng sâu trũng hình thành
vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh, kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm như:
Thị Trấn, Hưng Mỹ, Hưng Thịnh, Long Xá, Xuân Lam, Châu Nhân.
Những con số ấn tượng.
Trong
những năm qua do xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, diện tích sản
xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Trong hơn 3 năm qua diện tích sản xuất
lúa đã giảm hơn 500 ha, song sản lượng lương thực tăng đều qua các năm (Năm
2020 đạt 54.832 tấn, Năm 2021 đạt 58.953 tấn; Năm 2022 đạt 56.588 tấn; Năm 2023
đạt 59.489 tấn). Gía trị sản xuất của ngành nông nghiệp năm 2020 đạt 912 tỷ
đồng; năm 2021 đat 940 tỷ đồng; năm 2022 đạt 954 tỷ đồng đến năm 2023 đạt 969
tỷ đồng. Đặc biệt năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 xảy ra, hầu hết
các ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng âm, song ngành nông nghiệp vẫn duy trì
mức tăng trưởng dương, đóng vai trò trụ cột cho nền kinh tế.
Việc
đẩy nhanh công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong
sản xuất. Trong đó các địa phương đã tập trung đưa các giống lúa mới chất lượng
cao sản xuất trên diện rộng, với các giống chủ lực như: SV181; Hạt Ngọc 9;
DT80; Bắc Thơm; Thanh Hương 8; Nếp hương…, kết hợp tổ chức xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, hình thành được nhiều
vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hang hóa tập trung, đưa diện tích lúa chất
lượng cao toàn huyện đạt hơn 6.900 ha vào năm 2023, bằng 74 % tổng diện tích
gieo cấy, tăng hơn 15 % so với năm 2020.
Dấu
ấn nổi bật nhất, là bước đột phá trong việc triển khai thực hiện đề án “Ứng
dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện”. Hầu hết
các khâu trong quá trình sản xuất đều được cơ giới hóa. Tỷ lệ cơ giới hóa trong
khâu làm đất và thu hoạch đạt trên 90%. Xây dựng được nhiều khu sản xuất nhà
lưới, nhà kính sản xuất các loại Rau, Củ, Qủa cao cấp, sạch, an toàn như: Dâu
Tây; Cà chua Cherry; Dưa lưới; Nho Hoàng Đế; Dưa chuột; Bí xanh… các khu trồng
trọt công nghệ cao tập trung ở các xã vùng bãi dọc sông Lam, như: Khu nông
nghiệp sạch công nghệ cao V-Fresh Garden được xây dựng ở Hưng Lĩnh; Khu trang
trại sản xuất Dưa chuột, Bí xanh Hữu cơ của HTX Tiến Thắng ở Long Xá, Xuân Lam;
Khu nông nghiệp công nghệ cao sản xuất Sâm Ngưu Bàng ở bãi bồi Long Xá; Xây
dựng nhiều khu Nhà lưới, nhà kính ở Hưng Thành, Hưng Thông, Hưng Mỹ, Thị trấn…
Nhiều công nghệ mới được áp dụng trong sản xuất, như: Ứng dụng công nghệ thủy
canh, công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, công nghệ vi sinh … để sản xuất Rau sạch
hữu cơ, Dưa lưới, Cà Chua Cherry…
Bên
cạnh đó, hình thành được vùng chuyên
canh cây ăn quả Cam, Chanh, Đào Tết ở các xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng
Trung mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất bán sơn địa.
Nhiều
trang trại có quy mô lớn được đầu tư xây dựng, chăn nuôi theo hướng an toàn
sinh học, như: Trang trại chăn nuôi lợn ở Hưng Nghĩa với quy mô hơn 1000
con/lứa; Trại Gà đẻ bán công nghiệp ở Hưng Nghĩa với tổng đàn hơn 5.000 con;
Trang trại chăn nuôi Gà đồi ở Hưng Yên Nam, với quy mô tổng đàn xuất chuồng hơn
30.000 con/năm; trang trại chăn nuôi Vịt công nghệ cao ở Hưng Đạo, Hưng Tây quy
mô xuất chuồng gần 1.000 con/lứa….
Nhiều
làng nghề được cũng cố và phát triển, xây dựng thành công một số sản phẩm OCOP
như: Chả rươi, Ruốc rươi, Tinh bột Nghệ, Viên Nghệ mật ong, Bánh cà Hưng Tân…
Khởi sắc nông thôn mới.
Sau
hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cả
hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc
quyết liệt, tạo được sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, tập trung cho xây
dựng nông thôn mới.
Đến
hết năm 2014, Hưng Nguyên mới có 2 xã đạt chuẩn NTM (Hưng Tân và Hưng Tiến),
bình quân toàn huyện mới đạt 11 tiêu chí/xã. Năm 2015 có thêm 3 xã đạt chuẩn
NTM (Hưng Thắng, Hưng Thông, Hưng Tây), bình quân quân toàn huyện đạt 14 tiêu
chí/xã. Việc xây dựng NTM gặp muôn vàn khó khăn, do nguồn lực của các xã rất
hạn chế, bên cạnh đó một bộ phận người dân và cán bộ vẫn trông chờ và ỷ lại cho
Nhà nước. Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính
trị, sau khi sáp nhập xã, đến năm 2020, toàn huyện đã có 16/17 xã đạt chuẩn
nông thôn mới, chỉ còn xã Hưng Yên Nam mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí. Bằng nhiều
giải pháp quyết liệt và linh hoạt, khi ý Đảng hợp lòng dân, Hưng Yên Nam đã về
đích ngoạn mục. Đến hết năm 2023, toàn huyện đã có 17/17 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã
đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hôm
nay về với Hưng Nguyên diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc, đổi thay toàn
diện. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện đường, trường, trạm, cơ sở vật
chất văn hóa được đầu tư khang trang, hiện đại. Nhiều tuyến đường rợp cờ hoa,
sáng xanh – sạch – đẹp. Cảnh quan môi trường được cải thiện. Sản xuất nông
nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển. Các phong trào văn hóa, văn nghệ,
hoạt động thể dục, thể thao được lan tỏa rộng khắp. Y tế, giáo dục gặt hái
nhiều thành công. Công tác an sinh xã hội được quan tâm chu đáo. Đời sống vật
chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Quốc phòng, An ninh được
tăng cường, hệ thống chính trị được cũng cố, kiện toàn. Nhiều vùng quê trở
thành miền quê đáng sống.
Có
thể nói, trong những năm qua nông nghiệp, nông thôn Hưng Nguyên đã vượt qua
những khó khăn thách thức, kế thừa thành tựu và kinh nghiệm của những năm trước
để vươn lên đạt được nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần đưa kinh tế huyện nhà tiếp
tục tăng trưởng, ổn định.
Mặc
dù bước đầu đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, song ngành nông nghiệp,
nông thôn vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt trong
điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc. Để tiếp tục duy trì
sự ổn định, tạo đà đột phá trong tư duy phát triển nông nghiệp, nông thôn, đòi
hỏi các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt. Rà
soát, chỉ ra những khó khăn đang còn tồn tại, hoạch định chiến lược và lộ trình
trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới văn minh,mạnh dạn đổi mới
tư duy trong sản xuất, với triết lý cơ bản “Xây dựng nông nghiệp, nông thôn kết
nối tương lai”. Tập trung quan tâm ba phương châm cơ bản: Lấy nông nghiệp công
nghệ cao làm mũi nhọn; Liên kết sản xuất với doanh nghiệp, HTX tạo ra chuỗi
nông sản hàng hóa tốt; Xây dựng nông thôn văn minh, thân thiện.
Năm 2023 đã khép lại với nhiều
thành tựu đáng ghi nhận, tạo đà cho các địa phương tiếp tục vững bước trong
công cuộc chấn hưng nền nông nghiệp, phát triển nông thôn, nông dân, mở ra nhiều
triển vọng, hứa hẹn giành nhiều thắng lợi trong những năm tiếp theo./.
Hoàng Đức Ân – Trưởng Phòng NN&PTNT
huyện