Cho phép tôi được gọi các thực thể hành chính ấy bằng thuật ngữ
đầy sự trân trọng và yêu thương là "người".
Hệ thống hành chính Nhà nước ở địa phương chuyển mình, giản lược
từ 3 cấp xuống còn hai: tỉnh và xã, phường, đặc khu. Đây là bước đi lớn, thể
hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong công
cuộc đổi mới thể chế, tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
hoạt động, giảm chi ngân sách để phát triển mạnh mẽ hơn và phục vụ nhân dân tốt
hơn.
Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII
diễn ra từ ngày 10 - 12/4/2025, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó
có vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Ảnh: N.Bắc
Chủ trương ấy đúng đắn, hợp lòng dân, bảo đảm logic với xu thế
phát triển của một nền hành chính hiện đại. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng
thuận cao, tin tưởng vào sự thành công của cuộc cách mạng này (như lời của Tổng
Bí thư Tô Lâm đã nói), và rằng mô hình mới sẽ mở ra một thời kỳ phát triển
nhanh hơn, mạnh hơn cho đất nước, gần dân hơn trong sứ mệnh phục vụ. Tuy nhiên,
giữa không khí rộn ràng của một chặng đường mới, sẽ có những khoảnh khắc lặng
lẽ trôi qua trong tâm trí của những người đã từng gắn bó chặt chẽ đời mình với
cấp huyện.
Sẽ có những ai đó hôm nay ngồi lặng thầm trên chiếc ghế bên
chiếc bàn làm việc đã quá đỗi thân quen, cạnh ô cửa sổ trụ sở cơ quan, nơi chỉ
còn mấy giờ đồng hồ nữa sẽ khép lại vai trò lịch sử của cấp huyện. Tôi lại nhớ
đến lời của đồng chí Tổng Bí thư, đại ý rằng, đã gọi là cuộc cách mạng thì dĩ
nhiên sẽ có những biến đổi sâu sắc, có những cái sẽ không còn và chúng ta hiểu
đó như là sự hy sinh. Sự hy sinh ở đây không chỉ là quyền, lợi của cán bộ mà
còn là sự rút lui hình ảnh của người - bởi người sẽ đi vào lịch sử.
Có điều gì đó như một cơn gió sẽ luồn qua những dãy hành lang
còn ấm hơi người, nơi tiếng bước chân quen thuộc sẽ sớm lặng đi trong những
tháng năm tới. Từ Văn phòng Huyện ủy đến Phòng tiếp công dân của UBND huyện, từ
Phòng kinh tế, hạ tầng đến Hội trường Phòng GD&ĐT… đâu đâu cũng thấm đẫm
những kỷ niệm, những hồi ức của một thời đầy thử thách nhưng cũng rực rỡ, in
đậm những dấu mốc đáng tự hào. Bao nhiêu cán bộ đã đi qua những nơi này, để lại
ở đó cả tuổi trẻ, trí tuệ, niềm tin và cả những giấc mơ âm thầm về sự đổi thay
quê hương.
Trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: P.V
Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn).
Ảnh: Sách Nguyễn
Trung tâm huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Sách Nguyễn
Trung tâm huyện Đô
Lương. Ảnh: Quang Dũng
Cấp huyện - dù chỉ là “tầng giữa” trong hệ thống 3 cấp hành
chính - nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của "người" chưa
bao giờ là mờ nhạt. Từ những ngày đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh,
chính quyền cách mạng cấp huyện đã là nơi trung chuyển các mệnh lệnh của Trung
ương xuống cơ sở, nơi tổ chức hậu cần, động viên thanh niên lên đường ra trận,
chăm lo đời sống nhân dân vùng hậu phương. Trong những năm tháng khốc liệt ấy,
cán bộ cấp huyện vừa là người lãnh đạo, vừa là chiến sĩ, có khi là người đưa
thư, khi lại là người “nối máu” giữ vững mạch sống cho cả một vùng quê…
Khi đất nước bước vào thời bình cấp huyện là nơi để lãnh đạo,
chỉ đạo, triển khai các chủ trương, đường lối của cấp trên cho cơ sở và là nơi
để phục vụ nhân dân trên các mặt đời sống xã hội. Từ xây dựng nông thôn mới,
phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn văn hóa đến
cải cách hành chính - tất cả đều đi qua bàn tay tổ chức, điều hành của đội ngũ
cán bộ cấp huyện. Mỗi con đường được rải nhựa, mỗi mái trường được dựng lên,
mỗi trạm y tế được hình thành, mỗi xã nghèo vươn lên thành xã khá - đều in dấu
mồ hôi và sự tận tụy của những con người lặng lẽ nơi đây. Cấp huyện còn là địa
chỉ để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ cho sự nghiệp xây dựng quê hương,
đất nước. Cấp huyện là nơi để xây dựng, đảm bảo khu vực phòng thủ, bảo vệ sự
bình yên cho cuộc sống của nhân dân và là điểm tựa của khối đại đoàn kết toàn
dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử của mình.

Đoàn cán bộ huyện Tân Kỳ và xã Đồng Văn kiểm tra chất lượng bể
chứa nước sinh hoạt số 7 ở xóm Khe Sơn. Ảnh: Nguyễn Đạo
Cán bộ huyện Thanh Chương và xã Phong Thịnh kiểm tra hiệu quả mô hình trồng cây khoai tây. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ chi nhánh Văn
phòng Đăng ký đất đai huyện Nghi Lộc về xã Nghi Quang hướng dẫn
người dân hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ huyện Hưng Nguyên và xã Phúc Lợi kiểm tra
mô hình sản xuất.
Cán bộ huyện Nghi Lộc về cơ sở hướng dẫn cho
người dân hoàn thiện hồ sơ cấp giấy. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ huyện
Anh Sơn hướng dẫn người dân cách livestream bán sản phẩm mây tre. Ảnh: T.P
Có thể khẳng định, trong suốt gần 80 năm qua, nếu không có cấp
huyện, những chủ trương lớn sẽ rất khó đến được tận từng ngõ xóm của các cơ sở
một cách đầy đủ và hiệu quả. Không có cấp huyện, con đường giữa chính sách và
thực tiễn sẽ gập ghềnh hơn. Cấp huyện là chiếc cầu nối bền bỉ giữa lý thuyết và
cuộc sống, giữa đường lối và nhân dân.
Và trong gần 80 năm qua, kể từ ngày đất nước giành được độc lập,
cấp huyện đã đóng vai trò là một trụ cột trong việc giữ cho guồng máy chính
quyền được vận hành kịp thời, liên tục, ổn định. Khoa học, kỹ thuật, công nghệ
ngày nay phát triển nhanh, mạnh như vũ bão. Đến nỗi, nếu như trước đây người ta
không hình dung ra một chiếc điện thoại di động, thì ngày nay nói “thế giới
phẳng” cũng dễ bị cười chê bởi … vẫn lạc hậu. Những thành tựu đó cho phép con
người tối giản hóa thủ tục, quy trình, tối ưu hóa hoạt động và tăng hiệu quả
vận hành của bộ máy hành chính, giúp vượt qua mọi trở ngại của không gian thực,
không ngừng tăng năng suất lao động và rồi máy móc, công nghệ làm những việc mà
con người không thể thực hiện được… Sự thay đổi mô hình quản lý hành chính Nhà
nước là một tất yếu.
Chúng ta hiểu rằng, cấp huyện đóng vai trò như là một cấp trung
gian của hệ thống hành chính địa phương đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Tuy vậy, sự chia tay với cấp huyện không khỏi khiến những người từng gắn bó sẽ
ưu tư. Họ hiểu, đây là bước phát triển tất yếu, là sự chuyển hóa cần thiết,
nhường chỗ cho một mô hình tinh gọn, hiện đại. Nhưng cảm xúc thì không thể ghìm
nén được – làm sao không bùi ngùi, không nao lòng khi nhìn lại những bức tường
từng treo ảnh Bác với những tờ lịch công tác, tấm bản đồ địa phương, nơi từng
diễn ra bao phiên họp khẩn cấp trong mùa bão lũ, hay những lần long trọng tổ
chức kết nạp đảng viên mới, khen thưởng những cán bộ tận tụy với công việc,...
Sẽ không còn những từ đã nghe rất thân thương “lên huyện Con Cuông”, “xuống
thành phố Vinh” hay “ra huyện Diễn Châu” nữa, chúng sẽ chỉ tồn tại trong những
bài thơ, tiếng hát thuở xưa và trong tiềm thức của những thế hệ đã đi cùng năm,
tháng lịch sử. Chúng ta hiểu, nhân dân hiểu và chia sẻ tâm trạng rất con người
này!

Đường vô xứ Nghệ. Ảnh: Nhật Thanh
Có cán bộ xin nghỉ công tác trước tuổi hưu, có người chuyển lên
cơ quan cấp tỉnh, người thì chuẩn bị về xã công tác tiếp... Và chắc chắn nhiều
người không tránh khỏi cảm giác: lưu luyến, ngậm ngùi, có phần hụt hẫng. Đừng
vội cho rằng họ tiếc quyền lực hay danh phận. Họ lưu luyến một thời đã qua -
một giai đoạn lịch sử mà mình đã góp phần nhỏ bé nhưng đầy trách nhiệm và tâm
huyết. Nhớ những người đồng nghiệp cũ, nhớ những buổi gặp mặt cán bộ đã nghỉ
hưu của cơ quan mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhớ hình ảnh những người dân đến
huyện đường khi cần được hỗ trợ, nhớ những buổi làm việc đến tối mịt, những
chuyến kiểm tra vùng sâu, vùng xa đầy gió bụi nhưng rộn tiếng cười. Hình ảnh
ông Chủ tịch huyện dẫu đôi khi nóng nảy, thậm chí có hay mắng mỏ, chị kế toán
Văn phòng ủy ban dẫu có vài lần cau có khi duyệt chi… thì giờ đây đều trở thành
những ký ức vô giá. Và trong sâu thẳm, họ cũng tự hào.
Tự hào vì đã có mặt trong một giai đoạn vinh quang của
"người". Tự hào vì công sức của mình, dù nhỏ bé, đã góp phần tạo nền
móng cho một tương lai mới, một mô hình hành chính hiện đại hơn, hiệu quả hơn,
vì dân hơn.
Chúng ta xem sự “hy sinh” của "người" không phải là sự
kết thúc, mà là một sự tái sinh - một sự chuyển tiếp cần thiết để cả hệ thống
chính trị từ Trung ương tới cơ sở vận hành nhanh hơn, linh hoạt hơn trong kỷ
nguyên chuyển đổi số và hội nhập toàn diện.
Ngày 1/7 sắp đến, sẽ không còn tên “UBND huyện…”, “Huyện ủy…”,
“Phòng Nội vụ huyện…”, “Ban Tổ chức huyện ủy…”… trên biển hiệu hành chính nữa.
Nhưng trong ký ức của hàng triệu người dân, nhất là những ai đã từng sinh sống,
học tập, làm việc ở quê hương mình, hình ảnh của hệ thống chính trị cấp huyện
sẽ còn mãi. Đó là nơi gắn với các buổi họp giao ban, hội nghị cán bộ, công
chức, viên chức đầu năm, là những buổi tổng kết công tác chuyên môn, xếp loại
cá nhân vào mỗi cuối năm, là những buổi chiều chơi bóng chuyền, cầu lông khi
hết giờ làm việc trên sân thể thao đầy ắp tiếng cười vô tư của người miền núi…
Đó là nơi chứng kiến sự đổi thay từng bước cuộc đời của người dân, nơi những
người cán bộ cặm cụi làm việc không kể nắng mưa, ngày nghỉ, vì mục tiêu: Phục
vụ nhân dân.
Cán bộ UBND huyện Nam Đàn hướng dẫn người dân
bấm số thứ tự thực hiện giao dịch giải quyết thủ tục hành
chính tại Bộ phận "Một cửa".
Cán bộ UBND huyện Nghi Lộc giải quyết TTHC cho người dân tại Bộ phận "Một cửa". Ảnh: P.V
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận
"Một cửa" của UBND huyện Anh Sơn. Ảnh: P.V
Lãnh đạo huyện Quế Phong kiểm tra mô hình nuôi cá
lồng ở lòng hồ thủy điện Hủa Na. Ảnh: Đ.C
Chúng ta sẽ ghi nhớ, sẽ biết ơn và sẽ trân trọng những gì mà
"người" đã cống hiến trong suốt mấy chục năm qua. Đó không phải là
một “tầng trung gian” mang tính hình thức, mà là một trụ cột đã làm tròn sứ
mệnh lịch sử của mình. Và hôm nay, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, Người chia tay
chúng ta trong tư thế, hình ảnh của một Vị thần hộ mệnh, để lại một di sản hành
chính phong phú, bài bản, đầy tính tổ chức – là nền tảng quý giá cho mô hình
hành chính 2 cấp tiếp tục vững bước đi lên. Một chặng đường cũ khép lại, một
chân trời mới mở ra. Những người từng là cán bộ cấp huyện sẽ tiếp tục cống
hiến, sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhân dân ở những cương vị mới, trong mô hình
mới. Họ mang theo bên mình không chỉ kinh nghiệm, mà cả ký ức – một ký ức đẹp,
ấm áp, nghĩa tình, sâu sắc và đầy tự hào.
Xin cảm ơn "người" cùng đội ngũ cán bộ của Người vì sự
đóng góp trong suốt chiều dài lịch sử và vì sự đồng thuận cao với cuộc cách
mạng lần này do Đảng khởi xướng, lãnh đạo để đất nước vươn mình!
"Người" ra đi để hòa quyện
vào Nhân dân!
Nguồn:
Baonghean.vn