19/08/2022
Đội Tự vệ đỏ Xô Viết – Tiền thân của lực lượng Công an Nhân dân
Cách đây 92 năm phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã bùng nổ trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn lịch sử đó, ở hầu hết các tổng, làng xã, thôn đều thành lập một lực lượng được gọi là Tự vệ đỏ. Từ các đội tự vệ, Đảng đã xây dựng và rèn luyện những đội quân tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Năm 1930, ngay sau khi vừa thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động một cao trào cách mạng rộng khắp cả nước. Ngày 1/5/1930, tại ngã ba Bến Thủy, thành phố Vinh đã diễn ra cuộc biểu tình của hơn 1.000 công nhân đòi giới chủ tăng lương, giảm giờ làm, chia ruộng đất, giảm sưu thuế là sự mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931. Cũng sôi sục khí thế như khu vực Vinh - Bến Thủy
Phong trào được đẩy lên đỉnh cao với cuộc đấu tranh biểu tình của hơn 8000 nông dân huyện Hưng Nguyên và nhân dân Nam Kim, huyện Nam Đàn vào ngày 12/9/1930, với khẩu hiệu: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc, đả đảo phong kiến”, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Đoàn biểu tình xếp thành hàng dài kéo về phủ lỵ Hưng Nguyên. Khi đoàn đến Thái Lão, thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom, xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình khiến 217 người chết, 125 người bị thương. Thế nhưng sự đàn áp của thực dân Pháp không ngăn được phong trào đấu tranh của nông dân, mà càng làm cho cuộc đấu tranh thêm sục sôi, chính quyền thực dân ở nhiều làng, xã bị tan rã.
Đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Nguồn: Ảnh tư liệu
Trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân và phong kiến ở Nghệ - Tĩnh, các chi bộ và tổ chức Nông hội đỏ đã quản lý và điều hành mọi hoạt động trong lãng xã. Những người cách mạng đã lập ra chính quyền Xô viết - chính quyền Xô viết đầu tiên ở Việt Nam (chính quyền cách mạng sơ khai do giai cấp công nhân lãnh đạo). Sau khi chính quyền Xô viết ra đời, thực dân Pháp và tay sai trở lại đàn áp phong trào cách mạng. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, hầu hết các tổng, làng xã, thôn đều thành lập một lực lượng được gọi là Tự vệ đỏ. Đây là lực lượng nòng cốt hỗ trợ phong trào cách mạng của quần chúng và cũng chính là một trong những tổ chức tiền thân của lực lượng Công an nhân dân sau này. Đội tự vệ đỏ ra đời chính là hình thức sơ khai của đấu tranh vũ trang ở Việt Nam. Các Đội tự vệ có nhiệm vụ chống lại thực dân Pháp, diệt ác, trừ gian, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ chính quyền Xô-viết. Ngăn chặn mật thám Pháp, bọn Việt gian trà trộn vào hòng phá hoại các cuộc biểu tình; tổ chức tiêu diệt bọn phản cách mạng; tuần tra, canh gác bảo vệ làng xóm; bảo vệ an toàn các phiên xét xử bọn Việt gian; bài trừ hủ tục mê tín, dị đoan, cờ bạc, nghiện hút…Những chiến sỹ của đội quân Tự vệ đỏ đã cùng với quần chúng nhân dân đấu tranh trấn áp những người phản cách mạng, làm lên thắng lợi đầu tiên của quần chúng công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của cao trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931) đã để lại nhiều bài học quý báu về giành chính quyền và giữ chính quyền. Một trong những bài học đó là việc tổ chức, duy trì và phát triển "Đội Tự vệ đỏ". Đảng ta đã xác định "vấn đề tổ chức đội Tự vệ Công nông là một vấn đề quan trọng. Có đội Tự vệ thì Công và Nông mới giúp cho quần chúng tổ chức đấu tranh hơn trước được... khi có đấu tranh thì đội Tự vệ phải đi đầu, đi kèm quần chúng mà hộ vệ và bênh vực đấu tranh". Sự lớn mạnh của lực lượng Tự vệ đỏ ở Nghệ An và Hà Tĩnh là một trong những cơ sở để Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3/1935) họp tại Ma Cao (Trung Quốc) đã ban hành Nghị quyết riêng về phương pháp bạo lực cách mạng, khẳng định: Tự vệ đỏ càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh, vũ trang bạo động”. Đại hội chủ trương thành lập đội tự vệ công nông thường trực làm nòng cốt của các phong trào bạo động vũ trang giành chính quyền. Trên cơ sở chiến lược này, từ các đội Tự vệ đỏ hình thành trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Đảng đã xây dựng và rèn luyện những đội quân tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, được sự quan tâm, rèn luyện của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, lực lượng Công an nhân dân càng được củng cố về mặt tổ chức và lớn mạnh không ngừng, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong các thời kỳ cách mạng; nhưng tổ chức tiền thân Công an đầu tiên ra đời trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng của Công an nhân dân./.
KH TH