image banner
ĐẠI THẮNG THẦN TỐC TẾT KỶ DẬU
Khởi nghĩa Tây Sơn giànhthắng lợi sau 8 năm chiến đấu gian khổ, đập tan thế lực Chúa Nguyễn ở ĐàngTrong. Năm Mậu Tuất (1778) Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu TháiĐức mở đầu triều đại nhà Tây Sơn

Khởi nghĩa Tây Sơn giành thắng lợi sau 8 năm chiến đấu gian khổ, đập tan thế lực Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Năm Mậu Tuất (1778) Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thái Đức mở đầu triều đại nhà Tây Sơn.

Năm 1786, Nguyễn Nhạc sai Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ đánh chiếm thành Phú Xuân (Huế), lúc ấy đang bị quân Trịnh chiếm giữ. Thừa thắng, Nguyễn Huệ tiến quân ra đánh chiếm Thăng Long với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”. Vua Lê Hiển Tông gả Công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Nhạc phong Vương cho hai em, chia vùng đất phía Nam nước ta ra 3 phần, mỗi người quản lý 1 phần. Từ đèo Hải Vân trở ra thuộc về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Vùng Gia Định thuộc Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Vùng trung tâm do Trung ương Hoàng Đế Nguyễn Nhạc nắm giữ, đóng đô tại Quy Nhơn.

Vua Lê Chiêu Thống sợ mất ngôi, chạy sang cầu viện nhà Thanh. Cuối năm 1788, Tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sỹ Nghị chỉ huy 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta, núp dưới danh nghĩa “phù Lê”. Quân ta tạm lui binh về Tam Điệp (Ninh Bình) để bảo toàn lực lượng. Quân Thanh dễ dàng tiến vào kinh đô Thăng Long.

Từ Phú Xuân, Nguyễn Huệ nhận tin báo khẩn cấp, lập tức huy động binh mã, ngay này hôm sau, 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788) tiến quân ra Bắc. Để sáng tỏ danh nghĩa với cả nước, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung.

Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân, đại binh Quang Trung tới thành Nghệ An (Núi Thành). Hoàng đế cho đóng quân 10 ngày tại đây để tuyển thêm 5 vạn quân, nâng số quân lên 10 vạn. Trước khi xuất quân Hoàng đế tổ chức một cuộc duyệt binh lớn để khích lệ binh sỹ. Quân đội Quang Trung được chia làm 5 đạo: Tiền, Hậu, Tả, Hữu, Trung quân và một đội tượng binh gồm 200 voi chiến. Những binh sỹ mới tuyển, biên chế vào đạo Trung quân do đích thân Hoàng đế Quang Trung chỉ huy.

Ngày 20 tháng Chạp, đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Trước khi vào trận đánh lớn, Hoàng đế Quang Trung đã nói với quân sỹ rằng: “Nay ta tới đây, thân đốc việc binh, chiến thư ra sao đã có phương lược sẵn. Chỉ nội mươi ngày nữa, thế nào cũng quét sạch giặc Thanh. Song ta nghĩ: nước Thanh lớn hơn nước ta gấp 10 lần. Thanh bị thua tất hổ thẹn, chắc phải tìm cách rửa hờn. Nếu cứ để binh mã kéo dài mãi, thật không phải là phúc cho trăm họ, lòng ta không nỡ! Nên chi, sau khi ta thắng, ta nên khéo đường từ lệnh thì mới dập tắt được ngọn lửa chiến tranh. Việc từ lệnh đó ta giao cho Ngô Thì Nhậm.

Hoàng đế hạ lệnh cho quân sĩ ăn Tết Nguyên Đán trước và tuyên bố đanh thép: Ngày mùng 7 Tết sẽ đánh vào Thăng Long mở tiệc ăn Tết Khai Hạ. Với thiên tài quận sự, Hoàng đế Quang Trung đã có cách dùng binh mưu trí, thần tốc, táo bạo, đánh cho quân giặc không kịp trở tay.

Đêm 30 Tết, từ phòng tuyến Tam Điệp, đại quân xuất phát. Đạo quân do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy vượt sông Giao Thuỷ đánh đồn Gián Khẩu, quân đồn trú nhà Lê tan vỡ. Nhờ hành quân thần tốc, các đám quân do thám của giặc đều bị bắt nên quân Thanh từ đồn Hà Hồi tới Thăng Long không hề hay biết cuộc hành quân của ta.

Ngày mồng 3 Tết Kỷ Dậu (1789), quân ta tiến đến Hà Hồi. Hoàng đế Quang Trung cho quân vây chặt đồn rồi sai bắc loa kêu gọi quân Thanh đầu hàng. Quân Thanh bị bất ngờ, không kịp kháng cự, đều ra hàng.

Ngày mồng 4 Tết, đạo quân Hoàng đế Quang Trung chỉ huy tiến đến đồn Ngọc Hồi, nhưng chỉ bao vây mà không đánh ngay. Cả ngày mùng 4 Tết, Hoàng đế cho quân phô trương thanh thế để uy hiếp tinh thần quân giặc và gây sự chú ý của quân Thanh, tạo yếu tố bất ngờ cho các đạo quân đô đốc Long và đô đốc Bảo. Tôn Sĩ Nghị nghe báo cáo của lính do thám, cũng bị hút vào đồn Ngọc Hồi mà không nhận ra nguy cơ từ cánh quân của đô đốc Long. Khi Quang Trung phô trương thanh thế ngoài đồn Ngọc Hồi, đô đốc Long dùng nghi binh đánh lạc hướng chú ý của địch, rồi nửa đêm bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng do tướng giặc Sầm Nghi Đống chỉ huy. Các đội voi chiến của của quân Quang Trung đều có đại bác trên lưng, nã đạn vào đồn. Quân Thanh bị đánh bất ngờ trong đêm tối, chết như rạ. Đứa sống sót bỏ chạy tán loạn. Sầm Nghi Đống khốn cùng, phải tự sát. Vùng Khương Thượng, xác quân Thanh chết la liệt, chất thành 12 gò cao. Về sau có cây đa mọc um tùm, dân gọi đó là Gò Đống Đa. Trận diệt đồn Khương Thượng cũng được gọi là trận Đống Đa.

Hạ xong đồn Khương Thượng, ngay trong đêm mùng 4 Tết, đô đốc Long tiến vào bắn phá đồn Nam Đồng ở phía tây thành Thăng Long. Khi Tôn Sĩ Nghị nhận được tin báo việc đồn Khương Thượng thất thủ thì đô đốc Long đã diệt xong đồn Nam Đồng và tiến vào đánh đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị vội vàng tháo chạy.

Các tài liệu cũ đều mô tả cảnh tháo chạy hỗn loạn của quân Thanh. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện viết: "Tôn Sĩ Nghị đóng trên bãi cát, được tin bại trận vội vàng cưỡi ngựa một mình chạy về bắc. Tướng sĩ thấy vậy tranh nhau qua cầu mà chạy, cầu đứt, lăn cả xuống sông, chết đến vài vạn người, làm cho nước sông không chảy được." Sách Thánh vũ ký của Nguỵ Nguyên nhà Thanh viết:"Sĩ Nghị chạy trốn qua được bờ bắc sông Phú Lương (tức sông Hồng) liền cắt đứt cầu phao khiến các đạo quân của Hứa Thế Hanh và Trương Triều Long bị bỏ lại ở bờ nam. Do đó hơn 1 vạn người vừa tướng vừa quân xô nhau nhảy xuống sông để bơi sang bờ bắc và đều bị chết đuối cả"

Chiều mồng 5 Tết (tức 30 tháng 1 năm 1789), Hoàng đế Quang Trung kéo đại quân vào Thăng Long, ca khúc khải hoàn. Kết thúc chiến dịch đại phá 29 vạn quân Thanh xâm lược, ghi dấu son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam ta./.

THÁI HUY BÍCH

Tài liệu tham khảo chính

1/Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt nam- Hà Văn Thư- Trần Hồng Đực, NXB Văn hóa- hông tin, Hà nội, 1999

2/ Địa chí Văn hóa huyện Hưng Nguyên- Ninh Viết Giao chủ biên, NXB KHXH, 2009

3/ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Phươn
Tin khác
Không có dữ liệu
THÔNG BÁO
Đăng nhập

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN HƯNG NGUYÊN
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó chủ tịch UBND Huyện
Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Huyện Hưng Nguyên

Trụ sở: Khối 5 - Thị trấn Hưng Nguyên - huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
Điện thoại: 0945491201; 0971453015 - Email: daihungnguyen2018@gmail.com