Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn– lộ trình thực hiện và mức phạt đối với hộ gia đình, cá nhân không thực hiện phân loại rác thải
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và sự gia tăng dân số không ngừng tại Việt Nam đã khiến cho rác thải sinh hoạt có số lượng ngày một tăng, thành phần ngày càng phức tạp và tiềm ẩn ngày càng nhiều nguy cơ độc hại với môi trường và sức khoẻ con người.
Đã từ lâu người dân luôn có thói quen vứt bỏ rác thải bừa bãi ra môi trường xung quanh như: sông, rạch, ao, hồ, đường ngõ hay bất kỳ một chỗ đất trống nào đó... làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường do rác ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân tại khu vực gây nên ô nhiễm nguồn nước, không khí, tạo điều kiện cho vi khuẩn và các loại bệnh tật phát triển có thể trở thành nguồn phát sinh dịch bệnh, tác động nghiêm trọng tới môi trường, gây mất mỹ quan và không tận dụng được các nguyên liệu có thể tái sinh.
Phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Đây còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, gây áp lực rất lớn đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý. Hầu hết chi phí cho việc xử lý rác đều do ngân sách nhà nước chi trả, do đó việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn làm:
• Giảm lượng rác thải ra môi trường - tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý;
• Giảm lượng rác chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường;
• Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng;
• Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên;
• Là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội.
Theo điều 75 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
• Chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng: Giấy các loại, Nhựa các loại, Kim loại các loại như chai, hộp nhựa, lon nước giải khát, hộp, bao bì giấy, báo, vỏ hộp sữa, túi ni lông sạch,...
Giấy: Tạp chí, báo, giấy, sách vở cũ; thùng, bìa carton, hộp giấy carton (xếp gọn để giảm thể tích); Túi, đĩa, ly giấy(sạch, không dính dầu, thức ăn), bì thư, hoá đơn, giấy vụn khác.
Nhựa: Đồ dựng bằng nhựa (Chai, bình, ống, can, thùng, hộp, khay đựng…) sử dụng hết, làm sạch, để ráo. Các vật dụng bằng nhựa khác (có ký hiệu PET, HDPEP, LDPE, PP, …).
Kim loại: Vỏ lon nhôm, sắt (sử dụng hết, làm sạch, để ráo). Các vật dụng bằng kim loại khác (nồi, chảo, ấm, đinh, vít, sắt, thép vụn...).
• Chất thải thực phẩm từ sinh hoạt trong gia đình, nấu ăn: rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, bã trà, bã cà phê … từ nhà bếp (hãy vắt kiệt nước để giảm khối lượng, mùi hôi và côn trùng phát sinh) và các loại cây, cỏ, hoa lá, xác động vật nhỏ từ sân vườn, các loại khác,….
- Không thải bỏ chung với rác sinh hoạt.
- Rác có kích thước lớn (Xà bần, gỗ, tủ, bàn, ghsofaoffa…) Hộ gia đình, chủ nguồn thải vui lòng tự liên hệ, thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển có chức năng để chuyển giao, vận chuyển.
• Nhóm chất thải rắn còn lại: Bao gồm tất cả các loại chất thải rắn sinh hoạt không có chứa yếu tố độc hại và không thuộc nhóm chất thải tái chế hoặc chất thải thực phẩm.
Ngoài ra, chất thải nguy hại cũng cần được phân loại để xử lý nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.
Lộ trình thực hiện (đến ngày 31/12/2024)
Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ "quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" có hiệu lực từ ngày 25-8, theo đó có quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, sau ngày 25/8/2022 chưa tiến hành xử phạt. Theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Từ ngày 25/8/2022 đến 31/12/2024 là khoảng thời gian giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hàng ngày; hiểu và xem việc phân loại rác như một tập quán trong đời sống hằng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên, có lợi cho chính họ và cộng đồng xã hội.
Sau ngày 31/12/2024, Hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt và chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Mức xử phạt không phân loại rác thải sinh hoạt
Khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022 quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định
Ngoài ra, Điều 25 Nghị định 45/2022 còn quy định một số mức phạt khác liên quan đến hành vi thu gom, thải rác trái quy định về bảo vệ môi trường, gồm: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
Cùng với việc xử phạt trực tiếp, Nghị định cũng cho phép phạt nguội với các hành vi trên. Thay vì bắt quả tang để xử phạt, hệ thống camera sẽ ghi lại hành vi vứt rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định để xử phạt nguội.
Theo khoản 2, Điều 6, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định đây là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm mức phạt tiền gấp 02 đối với cá nhân.
Nguồn: Trung tâm Công nghệ thông tin