Trong những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trong những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thực tiễn thi hành Pháp lệnh và Nghị định trong thời gian qua cho thấy, hòa giải ở cơ sở không ngừng được củng cố về tổ chức, đội ngũ, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực vào việc xây dựng gia đình hạnh phúc, xóm, phố yên vui, thúc đẩy đất nước phát triển. Về tổ chức, đội ngũ, hiện cả nước có 121.251 tổ hòa giải với 628.530 hoà giải viên . Số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên tăng lên đáng kể so với trước khi có Pháp lệnh . Về hoạt động, kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày một nâng cao. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính từ năm 1999 đến tháng 03 năm 2012, tổng số vụ việc nhận hòa giải là 4.358.662, trong đó, hòa giải thành là 3.488.144 vụ, đạt tỷ lệ 80% góp phần giải quyết các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ ở cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được hoàn thiện, thể hiện trên các mặt cụ thể như: Pháp lệnh và Nghị định chưa quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế, chính sách cho công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên. Quyền được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, được cung cấp tài liệu pháp luật liên quan đến hoạt động hòa giải... chưa được chú trọng, dẫn đến năng lực của đội ngũ hòa giải viên nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả hòa giải thành ở một số địa phương. Việc khen thưởng, chế độ đãi ngộ, thù lao đối với hòa giải viên chưa được ghi nhận, chưa kịp thời tôn vinh các hòa giải viên giỏi. Chính sách hỗ trợ về kinh phí cho hoạt động của Tổ hòa giải chưa được quy định, do đó, hoạt động của tổ hòa giải gặp nhiều khó khăn.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quy định rõ. Việc phân định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp từ Trung ương đến địa phương không rõ ràng, dẫn đến tình trạng nhiều nơi cho rằng công tác hòa giải ở cơ sở là công việc, trách nhiệm của ngành Tư pháp. Do vậy, dẫn đến sự phối hợp trong công tác hòa giải chưa được thực hiện một cách thường xuyên, chặt chẽ và thiếu sự chủ động. Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở nhưng các quy định bảo đảm cho việc thực hiện chức năng này của Bộ Tư pháp nói riêng và Tư pháp địa phương nói chung chưa được quy định đầy đủ; trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa được quy định; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải còn chung chung.
Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, từ tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua và thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này, việc xây dựng, ban hành Luật hòa giải ở cơ sở sẽ thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bảo đảm tính linh hoạt, mềm dẻo, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân ở cơ sở, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho nhà nước và nhân dân.
Từ các vấn đề thực tiễn nêu trên cho thấy, việc ban hành Luật hòa giải ở cơ sở là hết sức cần thiết. Ngày 20 tháng 6 năm 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 bao gồm các nội dung cơ bản và những điểm mới như sau
Luật hòa giải ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Dưới đây là một số điểm mới của Luật Hòa giải ở cơ sở so với Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở:
Luật hòa giải ở cơ sở quy định việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
Luật đã kế thừa các quy định về bầu hòa giải viên trong Pháp lệnh và sửa đổi một số quy định nhằm đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, thể hiện rõ hơn bản chất của hòa giải ở cơ sở là hoạt động xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, do nhân dân thực hiện. Việc chủ trì, tổ chức thực hiện bầu hòa giải viên do Trưởng ban công tác Mặt trận tiến hành cùng với sự phối hợp của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố. Luật quy định cụ thể hình thức tổ chức bầu hòa giải viên thông qua việc tổ chức cuộc họp đại diện các hộ gia đình hoặc phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố; người được bầu làm hòa giải viên phải được trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý. Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.
Về tiêu chuẩn hòa giải viên, Luật quy định các tiêu chuẩn cơ bản của hòa giải viên người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn: Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật. Luật bổ sung quy định về thành phần tổ hòa giải phải có hòa giải viên nữ; đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải cần có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ hòa giải và các quyền, nghĩa vụ của tổ trưởng tổ hòa giải. Bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, trong đó có quyền được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở; được hưởng thù lao khi thực hiện vụ, việc hòa giải; được khen thưởng; được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải…cũng như một số nghĩa vụ cho phù hợp với tình hình mới, khắc phục hạn chế, bất cập của đội ngũ hòa giải viên hiện nay. Luật bỏ quy định về nhiệm kỳ của hòa giải viên nhưng quy định về thời điểm để kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở theo hướng hằng năm rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải.
Về hoạt động hòa giải ở cơ sở, đây là một chương có nhiều nội dung mới được bổ sung so với Pháp lệnh. Trong đó, quy định về các vấn đề cụ thể như: Căn cứ tiến hành hòa giải; quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải; người được mời tham gia hòa giải; tiến hành hòa giải; hòa giải thành; theo dõi, đôn đốc, việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành; hòa giải không thành...
Luật quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Nhà nước có chính sách để phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, thể hiện đúng bản chất của hòa giải ở cơ sở là tự nguyện, tự quản. Đặc biệt, Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với việc tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.