Tham dự có đồng chí Hoàng Anh Tiến - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện; Đại diện lãnh đạo Công ty VSIP, lãnh đạo các Công ty, Doanh nghiệp, Nhà máy đóng trên địa bàn Khu Công nghiệp; Các đồng chí lãnh đạo phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế hạ tầng; Đại diện Hội Nông dân huyện và các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng các mặt hàng nông lâm sản trên địa bàn huyện Hưng Nguyên.
Huyện Hưng Nguyên có khá nhiều sản phẩm đặc sản được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến như: Cam Xã Đoài, Chả rươi, dầu lạc Hưng Xuân, Bánh cà Hưng Tân, rượu Hưng Tân…
Để các sản phẩm đứng vững trên thị trường, Hưng Nguyên quan tâm chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Tính đến hết năm 2022, Hưng Nguyên đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng 3 vùng sản xuất rau củ, quả với diện tích 15 ha. Các vùng sản xuất đã đầu tư cơ sở hạ tầng đường điện, hệ thống tưới tự động phun mưa, nhỏ giọt, trong đó có một vùng đã được cấp giấy chuyển đổi hữu cơ.
Toàn huyện đã xây dựng được 3 khu nhà lưới, nhà màng đặt tại vùng bãi Hưng Lĩnh, Hưng Thành và Hưng Thông sản xuất rau, quả cao cấp như dưa lưới, dâu tây, dưa chuột baybe, cà chua, cải thảo … được cấp giấy chứng nhận ATTP, VietGap, sản phẩm cung cấp cho nhu cầu trên địa bàn huyện.
Hàng năm huyện xây dựng 20-30 cánh đầu lúa chất lượng cao sản xuất lúa gạo hàng hóa. Trong chăn nuôi các trang trại trên địa bàn huyện đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất sạch; Chuồng trại khép kín, sử dụng các chế phẩm vi sinh và công nghệ xử lý đệm lót sinh học. Khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm một số sản phẩm chủ lực của huyện trong một tháng: Lúa 4.000 - 4.500 tấn; Gạo 2.000 - 2.500 tấn; Rau, củ, quả: 100 - 150 tấn; Thịt hơi các loại: 500 - 600 tấn; Thuỷ sản nước ngọt các loại: 150 - 200 tấn; Trứng gia cầm: 15.000 - 20.000 quả.
Tại Hội nghị đại diện các Công ty, Doanh nghiệp đã nêu lên những điều kiện, yêu cầu khi cung cấp sản phẩm như giấy chứng nhận sản xuất Kinh doanh; giấy chứng nhận ATTP, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá rõ ràng, sản phẩm đảm bảo tươi, sạch.
Bên cạnh đó, đại diện các Công ty, HTX, nhà sản xuất, tổ chức cá nhân cung cấp sản phẩm trên địa bàn huyện trình bày quy trình sản xuất sản phẩm, đảm bảo chất lượng ATTP. Đồng thời, đề nghị các Doanh nghiệp cần nêu rõ các tiêu chí, yêu cầu sản phẩm, Kế hoạch cung cấp, định hướng tạo điều kiện cho bên sản xuất.
Phát biểu kết luận Hội nghị đồng chí Hoàng Anh Tiến - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị trong thời gian tới Công ty TNHH VSIP Nghệ An tiếp tục kết nối quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của huyện với các Công ty trong khu Công nghiệp nhằm tiêu thụ các sản phẩm; các Công ty tại Khu CÔng nghiệp ký kết hợp đồng tiêu tục các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện. Đồng thời, đồng chí yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các sản phẩm đảm bảo ATTP, đảm bảo các quy trình trong quá trình sản xuất./.