Hưng Nguyên: Chỉ thị về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Chỉ thị nêu rõ: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng tại nhiều địa phương; hiện có 77 ổ DTLCP tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 12 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày. Riêng trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, bệnh DTLCP đã xảy tại 11 xã, 26 xóm, 47 hộ, làm chết và tiêu hủy nhiều lợn, gây thiệt hại lớn về kinh cho người chăn nuôi.
Nguyên nhân dịch xảy ra: Nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu các biện pháp quyết liệt; không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch; không chủ động mua vôi bột, hoá chất để khử trùng; tiêu hủy lợn mắc bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; Còn hiện tượng giấu dịch, vứt xác vật nuôi ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường; Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh; Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát triệt để theo quy định; Mưa bão gây ngập úng nhiều nơi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và lây lan…
Thực hiện Chỉ thị số 35/CT-UBND, ngày 23/11/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Để phòng chống, kiểm soát bệnh DTLCP và các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; các Ban, phòng, ngành liên quan tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống khẩn trương với các nội dung sau:
1. UBND xã, thị trấn
- Tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của tỉnh, của huyện đặc biệt áp dụng nghiêm các giải pháp tại Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 về việc ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh
Nghệ An; thành lập các tổ phản ứng nhanh, báo cáo, xử lý ổ dịch khi mới phát hiện, tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, tránh làm lây lan dịch bệnh.
- Huy động lực lượng của địa phương kiểm tra, giám sát, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác động vật ngoài môi trường (sông, ngòi, kênh, mương, bãi rác...). Tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
- Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống phòng, chống bệnh DTLCP. Rà soát, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
- Khẩn trương rà soát, tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi; đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt); - Tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, vùng có dịch, vùng nguy cơ cao để phát hiện và xử lý dịch kịp thời. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp an chăn nuôi toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh. - Hoàn thiện kịp thời hồ sơ hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP, Viêm da nổi cục đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách theo chỉ đạo tại Công văn số 2348/UBND-NN ngày 16/11/2023 của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP và bệnh Viêm da nổi cục.
- Báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch kịp thời về UBND huyện (qua Trung tâm dịch vụ nông nghiệp).
- Đối với các xã đang có dịch: Tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới.
- Chủ tịch UBND xã nào chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật, để dịch lây lan diện rộng, tỷ lệ tiêm phòng thấp, không chỉ đạo quyết liệt, không chấn chỉnh việc vứt xác động vật ra ngoài môi trường thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
2. Phòng Nông nghiệp &PTNT
- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức, triển khai, thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.
- Tham mưu UBND huyện ban hành quyết định thành lập Đoàn công tác (bao gồm các thành viên liên quan) để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP trên địa bàn huyện.
3. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện
- Phân công cán bộ, viên chức phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn, triển khai cấp bách các biện pháp chống dịch, nhằm khống chế dịch trong diện hẹp. Tổng hợp diễn biến tình hình bệnh DTLCP để kịp thời báo cáo, tham mưu phòng, chống dịch phù hợp.
- Phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn huyện, nhằm bảo vệ an toàn dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh ATVSTP.
4. Phòng Tài nguyên Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật.
5. Công an Huyện: Tăng cường kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, bán chạy động vật mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường...
6. Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện: Thông tin kịp thời về diễn biến tình hình dịch bệnh DTLCP trên đàn lợn, phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông Nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện phóng sự, tin bài và các biện pháp phòng chống để người chăn nuôi chủ động thực hiện. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không “quay lưng” với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành
chăn nuôi.
Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Thủ trưởng các phòng, ban, ngành liên quan cấp huyện khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ thị này./.
Chi tiết nội dung Chỉ thị
Tải về
Kiều Hoa (TH)