Quân và dân Hưng Nguyên sát cánh với chiến trường góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước
Hiệp định Pa - ri được ký kết,
miền Bắc thực sự có hoà bình, miền Nam chiến tranh còn tiếp diễn. Khi “Mỹ cút”,
“chư hầu rút”, thế và lực quân nguỵ yếu hẳn. Vùng giải phóng rộng lớn ở miền
Nam đã nối liền với hậu phương lớn miền Bắc, có lực lượng vũ trang giải phóng
phát triển mạnh và đứng vững trên các địa bàn chiến lược quan trọng. Tuy nhiên,
với ý đồ phá hoại Hiệp định Pa-ri, Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho nguỵ
quyền Sài Gòn để chúng không ngừng được củng cố. Cho nên cuộc chiến tranh giải
phóng của quân và dân ta ở miền Nam vẫn diễn ra gay go, quyết liệt.
Tháng 5-1973, Đại hội đại biểu
Đảng bộ Hưng Nguyên (lần thứ XV) được tổ chức. Đại hội tiếp tục khẳng định
những tiến bộ toàn diện của quân và dân Hưng Nguyên trên các mặt trận chiến
đấu, phục vụ chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải, phòng tránh có hiệu quả,
hạn chế được sự thiệt hại về người và của trong điều kiện địch đánh phá triền
miên, dã man có tính huỷ diệt cao. Đại hội biểu dương tinh thần “Nhắm thẳng quân thù mà bắn”, “Toàn dân đảm
bảo giao thông vận tải”, “Tất cả vì miền Nam, tất cả với miền Nam”, “Thóc thừa cân,
quân thừa người”, của quân và dân trong thời gian qua. Về phương hướng
nhiệm vụ trong các năm (1973 - 1974) Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ tăng
cường xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, tăng cường xây dựng lực
lượng dự bị động viên hùng hậu. Đại hội khẳng định, dù khó khăn, gian khổ đến
đâu Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Hưng Nguyên vẫn phải tự giác hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến, góp phần đánh thắng hoàn toàn
giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
.jpg)
Di tích lịch sử cấp tỉnh “Bến Đò Cố Xin” tại xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (ảnh Bảo tàng QK4)
Đảng bộ, Nhân dân, lực lượng vũ
trang Hưng Nguyên triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV
vào cuộc sống trong không khí hoà bình, nhân dân phấn khởi song phải đương đầu
với nhiều khó khăn, thách thức lớn do 2 lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ
gây ra. 1.320 người chết, 642 người bị thương, hơn 2.500 nóc nhà bị cháy hoặc
đổ nát, 48 nhà kho, 29 trạm trại bị phá hỏng, cầu cống cơ bản bị đánh sập, 842
thuyền lớn, nhỏ bị hư hỏng, 5 nhà thờ Thiên chúa giáo bị đánh sập, hệ thống
trường học, nhà trẻ, trạm y tế, công sở bị hư hỏng nặng. Tất cả các công trình
thuỷ lợi, giao thông bị bom nhiều lần hư hỏng nghiêm trọng. Đế quốc Mỹ đã ném
xuống Hưng Nguyên hơn 19.000 tấn bom các loại chưa kể hàng chục nghìn quả rốc-két,
thuỷ lôi phong toả sông Lam. Bình quân mỗi người dân Hưng Nguyên phải gánh chịu
0,2 tấn bom đạn. Đối tượng chính sách tăng nhanh (chiếm 17,6% dân số) số nạn
nhân mang thương tích chiến tranh nhiều (chiếm 3% dân số). Đời sống nhân dân,
cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang gặp nhiều khó khăn đặc biệt là
các hộ gia đình phải 2 lần 6 năm sơ tán phòng không[1].
Chính vì thế nhiệm vụ năm 1973 đã
được Huyện ủy xác định: Nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, tự lực tự cường,
thực hành tiết kiệm tạo ra cao trào thi đua sâu rộng trong các ngành, các xã.
Khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai, khôi phục và phát triển kinh tế xã
hội. Trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tạo ra cơ cấu kinh tế mới theo
hướng sản xuất xã hội chủ nghĩa. Chăm lo xây dựng dân quân, tự vệ, bộ đội địa
phương huyện, tăng cường tiềm lực quốc phòng địa phương vững mạnh từ tổ chức,
tư tưởng, trang bị kỹ thuật để xung kích trong khắc phục hậu quả chiến tranh,
sẵn sàng chiến đấu, chi viện tiền tuyến đánh to, thắng lớn. Từng bước giải
quyết các khó khăn về nhà ở, lương thực, thực phẩm, chất đốt …để nâng cao đời
sống nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân. Thực hiện tốt chính sách hậu
phương quân đội và giải quyết tốt các vấn đề xã hội về di chứng vết thương
chiến tranh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Năm 1973, Hội đồng nghĩa vụ quân
sự tỉnh tổ chức 2 đợt tuyển quân. Với quyết tâm giữ vững truyền thống “Thóc thừa cân, quân thừa người”, với
quyết tâm “Được quân được cả phong trào”
trong điều kiện nguồn lực dự bị động viên có nhiều khó khăn, Hội đồng nghĩa vụ
quân sự huyện đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương xây dựng phong trào “Nuôi quân trước lúc lên đường”, số quân
nhân dự kiến huy động trong năm 1973 đã được ngành y tế khám tuyển sớm. Nhân
dân các xã, các cơ quan trong huyện đã đóng góp tiền, lương thực, thực phẩm để
nuôi quân, chữa trị các bệnh ngắn ngày. Xã Hưng Đạo đã tổ chức nuôi dưỡng 45
tân binh, xã Hưng Thắng đã nuôi dưỡng 30 tân binh. Nhờ sự chăm sóc của địa
phương và gia đình số thanh niên “thấp bé, nhẹ cân” đã tăng cường được thể lực,
đạt tiêu chuẩn sức khoẻ để lên đường nhập ngũ. Cả hai đợt tuyển quân huyện đều
hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Cũng trong năm 1973, tỉnh còn huy
động 450 dân công hoả tuyến (2 đợt, mỗi đợt 4 tháng) và 150 đoàn viên gia nhập
thanh niên xung phong.
Trong chuyến công tác tại Nghệ An
tháng 10/1973, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng
đã về thăm hợp tác xã Ba Tơ, do Anh hùng lao động Cao Lục làm chủ nhiệm. Đồng
chí Lê Duẩn đã đến thăm nhiều hộ xã viên trong hợp tác xã, đồng chí rất vui
mừng phấn khởi, biểu dương những thành tích to lớn của đảng bộ, Nhân dân và lực
lượng vũ tranh huyện Hưng Nguyên trong khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục
và phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực quốc phòng để chi viện cho chiến
trường đánh to, thắng lớn. Đồng chí đã thông báo những nội dung cơ bản của Nghị
quyết 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
“Về thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiệm vụ
cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới”[2].
Đồng chí nhấn mạnh để hoàn thành đại nghiệp này vai trò hậu phương lớn miền Bắc
mà trực tiếp là Quân khu 4, Nghệ An, Hưng Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng. Tinh thần Nghị quyết này phải được truyền đạt, quán triệt đến tận từng
người dân để tạo nên sức mạnh từ tình cảm, ý chí của toàn dân. Với nhiều hình
thức tuyên truyền thích hợp những lời căn dặn của Đồng chí Bí thư thứ nhất đã
được Tỉnh uỷ, Huyện uỷ chuyển đến từng người dân.
Bước sang năm 1974, chiến trường
miền Nam ngày càng đánh to thắng lớn, vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Việc
bổ sung quân cho chiến trường, việc bổ sung các lực lượng thanh niên xung phong
để mở rộng và nâng cấp các tuyến đường chiến lược ngày càng yêu cầu cao. Hội
đồng nghĩa vụ quân sự huyện đã triệu tập Hội đồng nghĩa vụ quân sự các các xã,
các cơ quan xí nghiệp trên địa bàn, thông báo chỉ tiêu, bàn biện pháp tổ chức
thực hiện. Từ kinh nghiệm nuôi quân trước lúc lên đường của các xã Hưng Đạo,
Hưng Thắng phong trào đỡ đầu tân binh được phát động sâu rộng trong toàn huyện.
Được sự cổ vũ của những chiến thắng vang dội từ tiền tuyến lớn, thanh niên Hưng
Nguyên hăng hái đăng ký nhập ngũ với quân số đông, nhiều gia đình sẵn sàng tiễn
con em thứ 2, thứ 3, thứ 4 của mình lên đường ra trận. Đến tháng 3/1974, huyện
đã giao đủ quân số cho các đơn vị nhận quân đạt 101% chỉ tiêu, riêng nữ quân
nhân đạt 120%. Các xã Hưng Thái, Hưng Chính, Hưng Yên, Hưng Thông, Hưng Trung,
Hưng Xá, Hưng Lam…đã trở thành lá cờ đầu của công tác tuyển quân trong huyện.
Trước sự phát triển tình hình
chiến sự ở miền Nam ngày càng có lợi cho ta, ngày 30/9/1974, Bộ Chính trị Trung
ương Đảng đã tổ chức hội nghị. Trên cơ sở phân tích so sánh lực lượng giữa ta
và địch, tình hình trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến
lược, quyết định: “Phải ra sức chuẩn bị
mọi mặt, khi có thời cơ lịch sử thì tập trung lực lượng cả nước giải phóng miền
Nam trong năm 1975”[3].
Thực hiện Nghị quyết Bộ Chính
trị, Hội đồng quốc phòng Nhà nước quyết
định Tổng động viên huy động nhập ngũ, quân số 2 năm 1975 - 1976 vào đợt I năm
1975. Chỉ tiêu tuyển quân lớn, thời gian khẩn trương, thực tế lực lượng dự bị
động viên đã cạn sau nhiều năm liên tục huy động với quân số lớn. Song trước
yêu cầu và nhiệm vụ cấp bách, trước thời cơ của đất nước, Đảng bộ Hưng Nguyên
dồn sức hướng về cơ sở, vận động nhân dân nhận rõ thời cơ, trách nhiệm, nêu cao
truyền thống quê hương, lòng căm thù giặc, nhiệt huyết cách mạng trong từng gia
đình, từng tổ chức đoàn, từng cơ quan, địa phương. “Khó vạn lần dân liệu cũng
xong”, hàng ngàn học sinh cấp 3 đã xung phong khám tuyển, hàng trăm cán bộ,
công nhân, viên chức đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Ngày 6/02/1975 đã trở
thành ngày hội lớn, từ khắp ngõ xóm, làng quê từng đoàn người trống giong cờ
mở, trẩy hội tòng quân. Chỉ tiêu trong 2 năm thực hiện trong 1 ngày. Không
những thế chỉ sau đó chưa đầy một tuần huyện lại tiếp tục tiễn chân 250 đoàn
viên thanh niên, trung niên đi dân công hoả tuyến phục vụ vận tải, chuyển
thương.
Tin vui từ chiến trường miền Nam
liên tục được thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, làm nức lòng quân và
dân hậu phương Hưng Nguyên.
Ngày 04/3/1975,
chiến dịch Tây Nguyên được mở màn. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh
chiến dịch, ngày 10/3 và 11/3/1975 quân ta tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng
quân - binh - chủng giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là một trận then chốt,
“điểm đúng huyệt”, làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế phòng thủ của
địch ở Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975.
Chiến công nối tiếp chiến công,
thắng lợi mở đà thắng lợi, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định: Những
thắng lợi to lớn vừa qua có ý nghĩa chiến lược đánh dấu một bước rất mới trong
cục diện chung, một bước suy sụp mới cho Mỹ - nguỵ. Địch đang co cụm chiến lược.
Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Đồng thời với việc cung cấp nhân
lực, vật lực cho chiến trường, huyện điều động khẩn cấp 130 quân dự bị động
viên để tỉnh thành lập 3 trung đoàn bộ binh làm lực lượng dự bị chiến lược cho
chiến trường. Khi các vùng giải phóng mở ra rộng khắp, hàng trăm cán bộ khoa
học kỹ thuật, giáo viên, y tế và cán bộ dân chính Đảng được điều động gấp rút
bổ sung cho các tỉnh tiếp quản vùng giải phóng. Hầu hết số cán bộ này đều là tự
vệ, một số lớn thuộc diện quản lý của Ban chỉ huy quân sự huyện về dự bị động
viên.
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị chủ
trương động viên cao độ và nhanh chóng lực lượng cả nước, giải phóng Sài Gòn
trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là
trong tháng 4/1975.
Thực hiện quyết tâm chiến lược
của Bộ Chính trị, các tỉnh, huyện ở miền Bắc thành lập khẩn trương Ban chỉ đạo
phục vụ chiến trường. Theo bước chân thần tốc của các binh đoàn, Ban chỉ đạo
phục vụ chiến trường huyện Hưng Nguyên do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện làm trưởng ban đã hiệu triệu toàn quân, toàn dân Hưng Nguyên tất cả cho
chiến trường, tất cả vì chiến trường. Huy động 532 chiếc thuyền, 309 xe thồ,
gần 500 xe ngựa, xe bò, xe ba gác, xe kiến an… không kể ngày, đêm, mưa, nắng
vận tải hàng trăm ngàn tấn hàng hoá trung chuyển. Nghiêng bồ, thổ thúng, sát
cánh với chiến trường trong mấy tháng đầu năm 1975, toàn huyện đã huy động
5.800 tấn lương thực, 145 tấn thực phẩm các loại cho quân ta ăn no, đánh thắng.
Miền Nam càng thắng to, thắng lớn, thắng dồn dập, nhanh chóng, Đảng bộ Hưng
Nguyên càng chú trọng giáo dục cho lực lượng vũ trang nhân dân và toàn dân tăng
cường cảnh giác, bám sát mọi diễn biến của tình hình, khắc phục tư tưởng chủ
quan, đề phòng đế quốc Mỹ trong bước đường cùng có thể có thể có những hành
động liều lĩnh đối với miền Bắc. Ban chỉ huy quân sự huyện ra lệnh báo động các
đơn vị dân quân, tự vệ trong toàn huyện luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến
đấu.

Ảnh TL
Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc
thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Niềm vui vui đến tột cùng tràn ngập
khắp làng quê, ngõ xóm, phố phường.
Sự hy sinh vô bờ bến và đáng quý
của quân và dân Hưng Nguyên đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Nhân dân và Lực
lượng vũ trang huyện Hưng Nguyên và các xã Hưng Lợi, Hưng Thái, Hưng Tân, Hưng
Dũng, Hưng Thuỷ, Hưng Đông, Hưng Lộc, Hưng Hoà, Hưng Chính, Hưng Thịnh, Hưng
Thông, Hưng Đạo, Hưng Tây đã được tuyên dương danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”
trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./.
Trung
tá Ngô Đức Biểu
Ủy
ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự tỉnh Nghệ An
Nguồn: Tổng hợp từ Lịch sử LLVT Nhân
dân huyện Hưng Nguyên (1945-2010)
Lịch sử Đảng bộ
Hưng Nguyên - tập 2 - tr 191 và Hồ sơ lưu Phòng chính sách Quân khu 4.
Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung ương
Đảng từ 21 - 26/7/1973 ra Nghị quyết xác định quyết tâm chiến lược giải phóng
miền Nam thống nhất Tổ quốc.
50 năm hoạt
động của Đảng cộng sản Việt nam - NXB ST - H 1980 - tr 248