Quân và dân Hưng Nguyên tập trung sức người, sức của để chi viện cho tiền phương đánh to, thắng to
Các đội dân công xe thồ tập trung chuẩn bị xuất phát chở hàng ra tiền tuyến; Ảnh TL
Kế hoạch chiến lược Đông Xuân
1951 - 1952 của Pháp liên tiếp bị phá vỡ. Bộ Chính trị Trung ương Đảng phán
đoán: Địch sẽ tấn công Hòa Bình, một vị trí chiến lược của Bắc Bộ. Đây là một
chiến dịch ta thu thắng lợi lớn, tạo đà cho quân ta mở chiến dịch Tây Bắc và
phối hợp với Bạn mở chiến dịch Thượng Lào. Chuẩn bị phục vụ các chiến dịch
trên, Huyện Hưng Nguyên đã huy động 1.100 dân công dài ngày và 10.000 ngày công
lao động để phục vụ các chiến dịch này. Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC)
huyện quyết định rút 130 dân quân và bộ đội địa phương huyện tăng cường cho lực
lượng dân công. Trên vai đôi bồ, đường xa, gánh nặng, phong thổ khác lạ nhưng
với tinh thần “Tất cả để tổng phản công thắng lợi”, các đoàn dân công của Hưng
Nguyên đã hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, 6 đồng chí đã anh dũng
hy sinh trên con đường vận tải quân lương ra chiến trường
Trên các
chiến trường Bắc Bộ, Nam Bộ quân ta liên tục giành nhiều thắng lợi to lớn. Thế
trận “Đông Dương là một chiến trường” đã hình thành đẩy kẻ địch từ bị động này
đến bị động khác. Trên cơ sở phân tích tình thế giữa ta và địch, Trung ương
Đảng ta quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954.
Ngày đêm, dân công chuyển tải lương thực bằng đôi chân ra tiền tuyến; Ảnh TL
Nhiệm vụ
chuẩn bị chiến trường được giao cho Bộ Tư lệnh Liên khu 4. Trên cơ sở mệnh lệnh
của Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh Liên khu 4 giao cho hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An
mở đường 15A, nạo vét kênh Nhà Lê nối liền giao thông thủy bộ giữa Liên khu III
và Liên khu IV, Liên khu V và biên giới Việt - Lào. Tạo điều kiện cho hậu
phương Thanh - Nghệ - Tĩnh phát huy sức mạnh tổng hợp chi viện cho tiền tuyến
đánh to, thắng lớn. Ngoài nhiệm vụ trên, Bộ Tư lệnh còn giao thêm cho Nghệ An
chuẩn bị các căn cứ hậu cần để bảo đảm cho các đơn vị từ Bình - Trị - Thiên và Trung
Lào sẽ về tập kết để xây dựng, luyện tập các phương án tham gia cuộc chiến Đông
Xuân 1953 - 1954. Sau khi nhận kế hoạch, Tỉnh ủy, UBKCHC tỉnh đã có kế hoạch
giao cho từng huyện. Với vị trí địa lý và tiềm lực của Hưng Nguyên trên tất cả
các mặt trận, nhiệm vụ mà tỉnh, Liên khu giao, Hưng Nguyên đều đảm trách những
phần việc nặng nề, khó khăn. Huyện ủy Hưng Nguyên đã mở hội nghị liên tịch giữ
Huyện ủy, UBKCHC, Mặt trận, các đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các xã để xây
dựng quyết tâm, thống nhất phương án, phân chia lực lượng thành 6 mũi.
- Mũi 1: Đảm nhận sản xuất ở hậu
phương, thâm canh gối vụ không để gián đoạn sản xuất.
- Mũi 2: Đảm nhiệm dân công mở
đường.
- Mũi 3: Đảm nhiệm dân công vận
tải.
- Mũi 4: Đại đội 2 thanh niên
xung phong huyện (gồm 104 đội viên) phối thuộc với Tổng đội thanh niên xung
phong Cù Chính Lan của tỉnh đi mở đường 15A đoạn giáp giới Thanh Hóa - Nghệ An.
- Mũi 5: Đảm nhận xay hết số thóc
trong các kho Nhà nước, kho tỉnh, kho huyện vừa đổi hạt để chuẩn bị đưa ra
chiến trường.
- Mũi 6: Tổ chức 200 dân công đi
tham gia Mặt trận Trung Lào.
Các mũi tiến công cho chiến dịch
Đông - Xuân 1953 - 1954 vừa được triển khai, dân công đi phục vụ Trung Lào vừa
lên đường thì tỉnh phát động tổng động viên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Như vậy là
ngoài 2.300 dân công đi phục vụ từ 3 - 6 tháng trong năm 1952, 800 dân công
phục vụ trong năm 1953, trong dịp này cả Trung Lào và Điện Biên, huyện Hưng
Nguyên phải huy động 2.500 dân công, 370 xe đạp thồ để vận chuyển hàng. Rút kinh nghiệm từ phục vụ chiến
dịch Hà - Nam - Ninh các đoàn dân công được tổ chức hết sức chặt chẽ, tổ chức
Đảng, tổ chức chỉ huy được tổ chức theo hình thức quân sự. Công tác chính trị
trong dân công được chú trọng.
Được sự động viên của hậu phương,
trong hào khí chung của dân tộc, trong 8 chiến dịch gần 1/4 triệu lượt nam, nữ
thanh niên, trung niên huyện Hưng Nguyên đã lên đường đi dân công hỏa tuyến
trên các chiến trường. Nhiều đội dân công, nhiều cá nhân đã lập thành tích xuất
sắc. Điển hình là đồng chí Nguyễn Thị Liên ở xã Hưng Chính đã được tuyên dương
là “Chiến sĩ thi đua” và được thưởng Huân chương Chiến công ngay tại mặt trận
Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; Ảnh TTXVN
Cuối tháng 12 năm 1952, Huyện ủy,
UBKCHC Hưng Nguyên tổ chức triển khai Sắc lệnh 129/SL đặt các “Bảng vàng danh
dự” và “Gia đình vẻ vang” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các gia đình liệt sĩ,
thương binh, bệnh binh và gia đình quân nhân. Nhân dịp kỷ niệm ngày toàn quốc
kháng chiến lần thứ 6, huyện đã trao 1.420 “Bảng vàng danh dự”, 2.879 bảng “Gia
đình vẻ vang” cho gia đình chính sách trong huyện góp phần động viên, cổ vũ,
tôn vinh những gia đình có con tòng quân, tạo không khí thi đua đầu quân trong
các xã
Tiền phương - hậu phương một
lòng. Hậu phương thi đua với tiền phương. Những tin tức giảm tô, giảm tức và
hào khí của các địa phương trong huyện đã làm nức lòng con em Hưng Nguyên chiến
đấu trên các chiến trường. Tin chiến thắng Trung Lào, Thượng Lào, Điện Biên đã
cổ vũ nhân dân các địa phương “nghiêng
bồ, thổ thúng” tất cả để chi viện cho tiền phương đánh to, thắng lớn. Mặc
dầu hơn 1/2 nhân lực đã đổ ra chiến trường nhưng trên các mặt trận hậu phương của
huyện Hưng Nguyên vẫn giành nhiều thắng lợi nổi trội. Mùa xuân 1954, hơn 2.800
nam, nữ thanh niên Hưng Nguyên từ 17 - 45 tuổi tham gia tòng quân, đa số đều là
dân quân đã được trải qua huấn luyện, nên nhanh chóng trưởng thành trong quân
ngũ.
Đầu năm 1953, thất bại trong
chiến dịch Việt Bắc thực dân Pháp phải rút toàn bộ quân về Na Sản, tập trung
xây dựng tuyến phòng thủ Thượng Lào. Tháng 4/1953, Quân tình nguyện Việt Nam
phối hợp với Quân giải phóng Lào mở chiến dịch Thượng Lào. Nghệ An và Thanh Hóa
được Trung ương giao phục vụ chiến dịch này. Nghệ An đã huy động 72.940 dân
công, sửa chữa 170 km đường, làm 100 cầu tạm, cầu phao trên tuyến đường 7 từ
Phủ Diễn lên Mường Xén qua Lào. Đầu tháng 3 năm 1953, 12.000 dân công Nghệ An
cùng 4 đại đội bộ đội địa phương theo đường 7 và sông Lam đã vận chuyển 700 tấn
gạo, hàng ngàn con trâu, bò, hàng trăm tấn muối, cá khô, mắm kem và các nhu yếu
phẩm khác sang phục vụ chiến dịch Thượng Lào. Thượng Lào, núi rừng trùng điệp,
khí hậu khắc nghiệt, đường vận chuyển hiểm trở nhưng các đoàn dân công Nghệ An
trong đó có dân công Hưng Nguyên đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, vượt
suối, băng ngàn để đưa hàng tới đích. Thượng Lào chiến thắng, quân dân Hưng
Nguyên sung sướng tự hào đã góp sức người, sức của cho chiến thắng chung của
hai dân tộc. Đối với Nghệ An, chiến thắng Thượng Lào có ý nghĩa vô cùng quan
trọng vì đã phá được vành đai phong tỏa của địch từ hướng Tây, tạo thuận lợi
cho việc bảo vệ hậu phương và chi viện tiền tuyến.
Tận dụng đường sông, vận chuyển hàng bằng bè mảng ra mặt trận; Ảnh TL
Chuẩn bị cho cuộc tấn công Đông
Xuân 1953 - 1954, Nghệ An, được giao nhiệm vụ mở con đường từ Thanh Hóa qua Phủ
Quỳ đến Đô Lương dài 340km. Tỉnh đã huy động 6.000 dân công để sửa đường làm 3 cầu
lớn, 32 cầu nhỏ, 53 cống và rải đá 150km đường cho xe vận tải chạy. 387 dân
công Hưng Nguyên đã có mặt trên các công trường suốt 4 tháng, góp phần hoàn
thành các hệ thống đường chiến lược này để tạo nên một hệ thống giao thông thủy
- bộ nối liền các vùng trong tỉnh, nối liền Liên khu IV và Liên khu III, với
bạn Lào.
Ngay sau khi quân ta mở cuộc tấn
công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, ngày 20/11/1953, Na-va cho đổ quân xuống
Điện Biên Phủ và tung 6 tiểu đoàn khác đến xây dựng tuyến phòng thủ Nậm Me - Thượng
Lào, Bộ Tổng tư lệnh quyết định giao cho Liên khu 4 phối hợp với Bạn mở chiến
dịch Trung Lào để chia lửa với Điện Biên. Nghệ An và Hà Tĩnh được giao đảm
nhiệm dân công phục vụ đường 8, đường 12 và Đông Bắc Miên. Trong một thời gian
ngắn, tỉnh đã huy động 20.000 dân công bộ, dân công thuyền và 1.500 xe đạp thồ
lên đường phục vụ chiến dịch Trung Lào. Cuối tháng 9 năm 1953, lần đầu tiên dân
công nữ ở hai tỉnh đã xung phong ra phía trước làm nhiệm vụ cứu thương, tải
thương. 218 dân công Hưng Nguyên lại vượt Trường Sơn sang giúp Bạn.
Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn!
Nhận lệnh hỏa tốc của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBKCHC tỉnh phát lệnh tổng động viên
các nguồn nhân lực, tài lực trong toàn dân. Đúng mùng một tết Nguyên Đán, các
địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức đưa tiễn 32.000 dân công (trong đó có 2.000
dân công xe đạp thồ) cùng 36.000 tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ
thuật quân giới... lên đường ra Điện Biên
Chưa bao giờ hậu phương Hưng Nguyên dốc người, dốc của ra mặt trận cao độ và
khẩn trương như vậy. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng đã thành lời
thề đi vào tình cảm, ý chí của từng người dân.
Từng đoàn xe thồ, từng đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; Ảnh TL
Hòng ngăn cản dòng chảy sức
người, sức của ra tiền phương, trong cơn rẫy chết thực dân Pháp đã tập trung
đánh phá các kho tàng, bến bãi, đường giao thông, khu dân cư hậu phương Thanh -
Nghệ - Tĩnh. Từ đầu năm 1953 đến tháng 7/1954, chúng đã 6 lần đem lính Âu - Phi
đổ bộ vào các huyện ven biển và tổ chức ném bom 14/21 huyện ở Nghệ An. Chúng đã
làm 841 người chết, 506 người bị thương, bắt 1.036 người, phá 536 thuyền, 577
nóc nhà, giết chết 900 con trâu, bò… Nhiều kho tàng, trường học, bệnh xá, nhà
hộ sinh bị đánh phá, 5 xí nghiệp và công trình thủy lợi trọng điểm bị đánh
hỏng. Trong hoàn cảnh ấy, các đảng bộ ở Hưng Nguyên vẫn vững vàng lãnh đạo nhân
dân và lực lượng vũ trang huyện, vừa đáp ứng cao nhất yêu cầu của chiến trường,
vừa đẩy mạnh xây dựng thế trận và lực lượng chiến đấu ở hậu phương. Huyện chủ
trương: Thị trấn và các vùng đông dân sơ tán để tránh tổn thất. Chỉ đạo dân
quân các xã tăng cường đào hầm hào giao thông, tăng cường nguỵ trang, tăng
cường công tác bảo mật, phòng gian, phòng chống gián điệp, chuyển việc học tập
của các trường, họp chợ vào ban đêm.
Trong ác
liệt khó khăn, lực lượng vũ trang huyện đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhân
dân. Vụ chiêm xuân 1953 - 1954 bị hạn hán nặng, huyện giao toàn bộ công tác
thủy lợi nội đồng cho thanh niên và dân quân. Nhiều địa phương trong huyện đã
chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu, trồng cây ngắn ngày cứu đói nhân dân,
các xã đều triệt để tiết kiệm để giành lương thực cho tiền tuyến.
Cuộc kháng
chiến càng gần thắng lợi, càng phải huy động sức người, sức của nhiều hơn.
Huyện đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng tổ chức đợt sinh hoạt quán triệt thư Hồ Chủ
tịch và phát động quần chúng nhân dân thực hiện chính sách ruộng đất trong
kháng chiến. Thư Bác đã được phổ biến đến tận từng người dân: “Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân
chủ nhân dân thật thà thực hiện thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế,
chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân”.
Công tác
phát động quần chúng triệt để giảm tô, giảm tức từng bước chia lại ruộng đất
cho dân nghèo đã mang lại nhiều lợi quyền cho nhân dân lao động, tạo động lực
cho nhiệm vụ chi viện tiền phương, thiết thực củng cố hậu phương vững mạnh.
Ngày 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí
Minh trao cờ “Quyết chiến quyết thắng”
cho Quân đội, Người chỉ thị… “Chiến dịch
này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả chính trị,
không những trong nước mà cả quốc tế. Vì vậy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân
phải hoàn thành cho kỳ được…” Sau 56 ngày đêm “Khóet núi, ngủ hầm, mưa dầm,
cơm vắt, gan không núng, chí không mòn”, kiên quyết, mưu trí, sáng tạo chiến
đấu quân và dân ta đã đập nát cứ điểm Điện Biên Phủ. Cuộc tấn công chiến lược
Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ đã đập tan cố gắng cao nhất,
cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, tạo điều kiện cho hiệp định Giơ - ne
- vơ về Việt Nam được ký kết.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là
chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực
dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Đây là một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa
trong thế kỷ XX. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử thế giới như một
chiến công chói lọi đột phá vào thành trì của hệ thống nô dịch thuộc chủ nghĩa
đế quốc. Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Hưng Nguyên tự hào đã làm
tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang của một địa
bàn quan trọng hậu phương lớn của Nghệ An trong cuộc kháng chiến lâu dài, gian
khổ giành độc lập dân tộc.
Trung
tá Ngô Đức Biểu
Bộ
Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An
Trong
bài có sử dụng Tư liệu: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Hưng Nguyên
Hồ sơ lưu Phòng chính sách Quân khu 4
Hồ sơ lưu Phòng chính sách Quân
khu 4.
Hồ sơ lưu Phòng chính sách Quân
khu
55 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam
- Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - H 2000 - Tr 346
55 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam
- Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - H 2000 - Tr 346
.
Do các nguồn
tài liệu lưu trữ về số lượng dân công các đợt ở Hưng Nguyên chưa tìm được bài
viết này xin phép sử dụng số liệu chung của cả tỉnh để làm rõ vai trò hậu
phương của huyện Hưng Nguyên.