image banner
Đền Vua Lê: Công trình tưởng nhớ công lao của Vua Lê Lợi và triều đại nhà Hậu Lê trong việc đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước

Ngày 6/10 sắp tới tức ngày 22/8 Âm lịch, Hưng Nguyên tổ chức lễ tưởng niệm 590 năm Ngày mất Vua Lê Lợi, phóng viên giới thiệu bài viết: Đền Vua Lê: Công trình tưởng nhớ công lao của Vua Lê Lợi và triều đại nhà Hậu Lê trong việc đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước.

Anh-tin-bai

Quang cảnh đền Vua Lê

Theo những bậc cao niên hiện còn sống ở xã Hưng Thành, trong ký ức của họ thì Đền Vua Lê là ngôi đền uy nghi, hoành tráng bậc nhất trong vùng. Nhân dân ở xã Hưng Thành bao đời nay vẫn một lòng ngưỡng mộ cũng như dành tình cảm đặc biệt đối với nơi trang nghiêm thờ phụng này. Đền được xây dựng để ghi nhớ công lao to lớn của Vua Lê và các anh hùng nghĩa liệt. Đất Triều Khẩu xưa, nay thuộc xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An được xem là vùng đất linh thiêng, in đậm những chiến tích hào hùng của Lê Lợi trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Sau khi xâm lược nước ta, quân nhà Minh đã xây dựng thành lũy, đồn ải trên núi Lam Thành, án ngữ cửa Hội và chia cắt vùng đồng bằng Nghệ An. Năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo và Nhân dân nơi đây đã vây hãm thành Nghệ An. Tại đây, Vua Lê Lợi đã cho xây thành, hậu cứ sản xuất lương thực, luyện tập quân sỹ để tiến quân ra Bắc

Anh-tin-bai

  Cổng đền Vua Lê

Mười năm “Nếm mật nằm gai” gian khổ và anh dũng. Cuộc kháng chiến chống giặc Minh của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đã đi đến toàn thắng. Ngày 15 tháng 4 năm Mậu thân 1428, Lê Lợi chính thức đăng quang lên ngôi vua tại điện Kính Thiên, thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay), xưng vương là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, ban Bình Ngô Đại Cáo. Trong suốt thời gian trị vì ngôi Vua, Lê Thái Tổ đã đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và một nền độc lập phồn thịnh của quốc gia Đại Việt. Lê Lợi chia nước ta thành 5 đạo. Trấn Nghệ An thuộc đạo Hải Tây, lỵ sở của trấn đặt tại Lam Thành - Triều Khẩu. Trấn nghiệm có 9 bộ phủ, 25 huyện. Như vậy, xã Hưng Thành ngày nay nằm tại trung tâm lỵ sở của trấn nghiệm xưa.

Anh-tin-bai

Vua Lê Thái Tổ trị vì đất  từ  ngày 15 /4 năm Mậu thân 1428  đến ngày  22 / 8 năm Quý Sửu 1433

Sau 5 năm trị vì đất nước, vua Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu 1433. Trong niềm tiếc thương vô hạn của Nhân dân cả nước, để ghi nhớ công lao to lớn của vua Lê và các anh hùng Nghĩa Liệt, nhân vùng Triều Khẩu xưa (nay là xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên) xây dựng ngôi đền ngay vùng đất mà Lê Lợi và nghĩa quân đã xây dựng lực lượmg giải phóng thành Nghệ An, thành Phủ Diễn rồi thừa thắng tiến quân ra giải phóng thành Đông Quan đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước ta. Đền Vua Lê, còn có tên là đền Hiển Quang. Tương truyền đền do Vua Lê Thánh Tông cho xây dựng năm Hồng Đức thứ 2 (1471) để thờ Vua Lê Thái Tổ và vợ của Người là Nguyên Phi Trinh Ý. Đến triều Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa (1682-1705) rước thêm 2 vị Vua nữa vào thờ ở Đền. Đó là Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông.

Năm 1859, đền được trùng tu trở thành ngôi đền lớn, có tiếng linh thiêng ở xứ Nghệ. Tòa chính điện thờ 3 vị vua là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông. Bà Nguyên Phi có một gian thờ riêng. Đến cuối triều Nguyễn, năm Canh Thìn, niên hiệu Bảo Đại thứ 15 (1940) đền lại được trùng tu lần nữa.

Anh-tin-bai

Nhà Hạ điện đã được phục dựng và đưa vào sử dụng

Đền được xây dựng trong khuôn viên có diện tích khoảng 1 ha với quy mô khá lớn bao gồm: Cổng tam quan, đền hạ, đền trung và đền thượng và 2 nhà tả hữu vu. Ngôi Đền lớn gồm 23 gian, có 98 cây cột, trong đó 64 cây cột chính có đường kính lên đến 60cm. Trên xà, hạ được chạm trổ hết sức công phu. Nghệ thuật chạm trổ ở đây đã đạt đến trình độ điêu luyện, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Bên cạnh đó, là các bức chạm lộng với các đề tài truyền thống như: long, ly, quy, phượng, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long tranh châu và các đề tài mang đậm phong cách dân gian như: hình tượng vũ nữ nhạc công, tiên hạc, đánh cờ, mục tử… với nét chạm tinh tế, uyển chuyển, đã làm cho các bức chạm thêm phần sống động. Đây là một trong những công trình kiến trúc gỗ đẹp nhất và mang đậm dấu ấn của phong cách kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ XV.

Anh-tin-bai

Việc phục dựng đền Vua Lê nhằm tưởng nhớ công lao của Vua Lê Lợi và triều đại nhà Hậu Lê trong việc đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước

Do thời gian và thiên tai dữ dội, trận lũ năm 1954, 1978 đã cuốn trôi Đền và nhiều đồ tế khí, nhà hạ điện, trung điện và 2 nhà tả hữu vu. Đến năm 1994, thể theo nguyện vọng của Nhân dân, xã Hưng Thành đã vận động quyên góp tiền của để khôi phục lại Đền Vua Lê. Tuy nhiên, cũng mới chỉ đáp ứng được phần nào về việc thờ tự.

Anh-tin-bai

Nhà Thượng điện đã được phục dựng và đưa vào sử dụng

Năm 1997, Đền Vua Lê được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia. Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của Đền Vua Lê, đầu năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết công trình tu bổ tôn tạo di tích Đền Vua Lê giai đoạn 1 bao gồm 19 hạng mục. Trong đó, phục dựng lại nhà trung điện, hạ điện, nhà tả vu, nhà hữu vu, tu bổ lại nhà thượng điện và xây dựng mới một số công trình phụ trợ khác. Cuối năm 2020, Đền Vua Lê bắt đầu được khởi công phục dựng. Hiện những hạng mục đầu tiên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, còn cháu dòng họ Lê đã đóng góp hơn 500 triệu đồng để mua các đồ tế khí. Việc phục dựng một Di tích lịch sử - Văn hóa  có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của Nhân dân Nghệ An cũng như bà con, dòng tộc Họ Lê cả nước.

 
Anh-tin-bai

Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, còn cháu dòng họ Lê đã đóng góp hơn 500 triệu đồng để mua các đồ tế khí.

Đền vua Lê là công trình tưởng niệm của Nhân dân với vị anh hùng dân tộc mang ý nghĩa văn hoá lớn. Hàng năm, vào ngày 22/8 (âm lịch) ngày vua Lê Thái Tổ qua đời, Nhân dân Triều Khẩu tổ chức thành ngày lễ lớn, ngoài các vật phẩm như: hương đăng trà quả, lễ vật dâng lên đức vua, Nhân dân còn tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hoá như: rước kiệu, đua thuyền nhằm làm sống lại một giai đoạn lịch sử hào hùng đã qua. Ngày nay, mặc dù bị thu hẹp và quy mô nhỏ hơn những lễ hội truyền thống ở Di tích vẫn được duy trì thường xuyên nhân ngày giỗ của Vua Lê. Ngoài ra, các ngày rằm, mồng một hàng tháng Nhân dân trong vùng thường xuyên đến hương khói tại đền.

Anh-tin-bai

Các công việc chuẩn bị lễ tưởng niệm 590 năm Ngày mất Vua Lê Lợi đã cơ bản hoàn thành

Với tấm lòng tri ân sâu sắc, tưởng niệm 590 năm Ngày mất Vua Lê Lợi trong những ngày này Nhân dân Hưng Thành nói riêng và Nhân dân huyện Hưng Nguyên nói chung đang tổ chức các hoạt động để cùng nhau ôn lại công lao và sự nghiệp to lớn của Vua Lê Lợi, người lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, đập tan chế độ thống trị của nhà Minh xâm lược và sáng lập ra triều Lê - một triều đại có nhiều đóng góp cho sự phồn vinh phát triển của đất nước trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta cùng ôn lại lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ và tự hào về những thời khắc lịch sử hào hùng của cha anh đã đấu tranh để đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng đất nước./.

Kiều Hoa

THÔNG BÁO
Đăng nhập

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN HƯNG NGUYÊN
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó chủ tịch UBND Huyện
Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Huyện Hưng Nguyên

Trụ sở: Khối 5 - Thị trấn Hưng Nguyên - huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
Điện thoại: 0945491201; 0971453015 - Email: daihungnguyen2018@gmail.com