image banner
Đồng chí Lê Xuân Đào – Tấm gương người cộng sản ưu tú
Huyện Hưng Nguyên là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng của cả nước. Nơi đây đã ra đời và nuôi dưỡng những chiến sĩ Cộng sản ưu tú, xả thân để cứu đất nước thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than. Lê Xuân Đào là một trong những tấm gương sáng mà hậu thế cần tri ân và học tập.

 

Anh-tin-bai

Đồng chí Lê Xuân Đào

Đồng chí Lê Xuân Đào tên khai sinh là Lê Mạnh Thân, tên thường gọi là Chắt Lũ, bí danh Giang, sinh năm 1903 trong một gia đình nông dân ở làng Phù Xá, tổng Phù Long nay là xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Lúc còn nhỏ ông được theo học chữ Nho ở trong làng. Ông là người thông minh, có trí nhớ tốt. Tương truyền ông đã đọc được sách "Tam quốc chí” từ nguyên bản chữ Hán. Đọc xong chương nào ông kể lại cho bạn nghe đầy đủ cốt truyện của chương ấy và nhận xét khá tinh tế về từng nhân vật trong truyện. Sau một thời gian học chữ Hán do thầy đồ trường làng dạy, ông được theo học trường Sơ đẳng tiểu học (trường Pháp-Việt) trong phủ Hưng Nguyên, rồi lên học lớp Nhì bậc tiểu học tại Vinh. Khoảng năm 1918, mẹ ông qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Ít tháng sau, cha của ông cũng qua đời, để lại 5 người con, 3 trai 2 gái. Lê Mạnh Thân là con cả. Mới 16 tuổi, ông bỏ học, xin được thay cha làm nghề chống bè thuê cho chủ buôn gỗ Vĩnh Dụ, để kiếm tiền nuôi các em. Thấy ông làm việc giỏi giang lại có học nên được nhà chủ giao cho ông chức Tài công- ghi chép sổ sách. Ông là người tháo vát, nhanh nhẹn, làm được nhiều việc, mọi người đều quý mến.

         Lúc bấy giờ ở làng Phù Xá có nhà họ Võ- Cụ Tú Lang- một gia đình có truyền thống yêu nước, ở vị trí kín đáo giữa làng, các chiến sĩ cách mạng chọn làm nơi tụ họp của những thanh niên chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước. Năm 1914, ông Võ Trọng Đài là người Hưng Nguyên đầu tiên xuất dương sang Trại Cày Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan. Từ năm 1923 trở đi, lần lượt các ông Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng, Trần Diệm, Ngô Thúc Tuân, Ngô Thúc Thiêm… bí mật sang Trại Cày.  Các ông Võ Trọng Ân, Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Tấn là những người làm nhiệm vụ dẫn đường.

           Khi hoàn cảnh gia đình Lê Mạnh Thân đã bớt khó khăn, việc nhà đã có vợ chăm lo, các em cũng đã biết làm lụng, Lê Mạnh Thân dấn thân vào con đường cách mạng, theo gương các bậc tiền bôi. Năm 1926, Lê Mạnh Thân đổi tên là Lê Xuân Đào, xuất dương sang Thái Lan. Sau một thời gian học tập và rèn luyện, ông trở về quê hương hoạt động cách mạng trong đảng Tân Việt.

           Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các đảng viên thuộc đảng Tân Việt, Đông Dương Cộng sản liên đoàn, lần lượt tham gia thành lập chi bộ   Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở Hưng Nguyên, chi bộ Lộc Đa thành lập tháng 3/1930, chi bộ Yên Dũng thành lập tháng 4/1930. Tháng 4/1930  Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Tôn Gia Ninh về bắt liên lạc với Lê Xuân Đào bàn việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở tổng Phù Long và Nam Kim. Ngay trong tháng 4/1930 chi bộ mới ra đời lấy tên là Trúc-Lam- Giang, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Hữu Nhượng bí danh Trúc, quê làng Trung Cần; Nguyễn Thị Quỳnh Nga, còn gọi Thông Phia bí danh là Lam, quê làng Trung Cần; Lê Xuân Đào, còn gọi Chắt Lũ bí danh là Giang, quê làng Phù Xá. Sau đó các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở phủ Hưng Nguyên lần lượt ra đời. Đến tháng 9/1930 toàn phủ Hưng Nguyên đã có 9 chi bộ, tổng cộng gần 50 đảng viên.

           Trước phong trào cách mạng sục sôi, những người cộng sản Hưng Nguyên nhận thấy phải phát động quần chúng thật mạnh mẽ để đòi quyền lợi thiết thân cho nhân dân lao động. Ngày 6/9/1930, đồng chí Lê Xuân Đào chủ trì cuộc họp các chi bộ để bàn kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn. Dự  họp có đồng chí Lê Doãn Sửu, Tỉnh ủy viên về chỉ đạo. Theo kế hoạch sáng sớm ngày 12/9/1930 quần chúng tập kết tại đình Xuân Hòa, kéo xuống ga Yên Xuân, rồi tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên để đưa yêu sách cho Tri phủ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Ngoạn, người làng Xuân Hòa được cử làm Tổng chỉ huy.

            Theo đúng kế hoạch, sáng sớm ngày 12/9/1930, hàng ngàn nông dân nhiệt tình tham gia biểu tình. Họ mang theo cở đỏ búa liềm, dáo mác, gậy gộc, ... hàng ngũ chỉnh tề, càng lúc càng đông, rầm rộ tiến về phủ lỵ. Khi đến địa phận xã Thái Lão, đoàn đã đông tới 8.000 người. Giặc Pháp và tay sai hoảng sợ, chúng dã man cho máy bay ném bom vào giữa đoàn biểu tình khiến 217 người Hy sinh. Cuộc Biểu tình ngày 12/9/1930 đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Những người Cộng sản ở Hưng Nguyên không hề nao núng, lãnh đạo Nhân dân khắc phục hậu quả, biến đau thương, căm thù giặc thành hành động cách mạng.

          Thực tiễn đòi hỏi phải có một cơ quan lãnh đạo thống nhất trong toàn phủ để lãnh đạo Nhân dân chống khủng bố, tiếp tục đấu tranh. Tháng 10/1930 đồng chí Lê Xuân Đào chủ trì hội nghị đại biểu các chi bộ để bàn việc thành lập Phủ ủy. Đồng chí Lê Công Cánh, Tỉnh ủy Vinh- Bến Thủy về dự và chỉ đạo. Phủ ủy Hưng Nguyên lâm thời được thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Lê Xuân Đào làm Bí thư Phủ ủy (tương tự Bì thư Huyện ủy ngày nay).

           Phủ ủy Hưng Nguyên đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy đấu tranh. Nhiều xã thôn đã xây dựng được chính quyền Xô Viết, thành lập các tổ chức quần chúng như: Nông hộ đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng, Cứu tế đỏ,... Số đảng viên phát triển khá nhanh, lên đến 119 đảng viên sinh hoạt tại 18 chi bộ. Cả 6 tổng thuộc phủ Hưng Nguyên đều có chi bộ Đảng.

           Chính quyền thực dân phong kiến đã dùng chính sách khủng bố trắng, đàn áp dã man Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhiều đảng viên và quần chúng ưu tú đã bị bắt, bị xử bắn hoặc tù đày. Phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh tạm thời lắng xuống.

            Tháng 1/1931, đồng chí Lê Xuân Đào được cấp trên điều bổ sung Tỉnh uỷ Nghệ An, rồi làm Trưởng ban Tài chính Xứ uỷ. Với tác phong nhanh nhẹn và mưu trí đồng chí đã đi đến nhiều nơi, vận động được nhiều người đóng góp tiền của, bổ sung nguồn tài chính của Đảng. Tháng 6/1931, phong trào gặp khó khăn, nhiều cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng liên tiếp bị địch phá vỡ. Để bảo toàn lực lượng nòng cốt, Tỉnh uỷ Nghệ An cho một số cán bộ, Đảng viên rút lên Cao Vều, Môn Sơn, Lục Dạ... miền tây Nghệ An. Có lần cơ quan Tỉnh uỷ chuyển đến Bãi Gia, dưới chân lèn Kim Nhan, Lê Xuân Đào bị ốm nặng, cơ quan thiếu thốn mọi bề, có lúc phải ăn củ mài và rau rừng trừ bữa, dùng lá cây làm thuốc chữa bệnh, nhưng không ai nao núng, vẫn hết lòng lo khôi phục hoạt động của Đảng. Đầu năm 1932 cơ quan rút về Tràng Ri (Nam Đàn).

             Ngày 21/3/1932, đồng chí Lê Xuân Đào về xuôi để dự Hội nghị do Xứ ủy triệu tập, họp tại làng Đồng (nay thuộc xã Kim Liên). Vì có kẻ phản bội đi khai báo, Tri phủ Hưng Nguyên cho lính vây ráp, Đồng chí trốn vào Chùa Trẹ ở làng Đôn Nhượng (nay thuộc Xóm 2 xã Hưng Đạo). Đêm 24/3/1932, bọn lính giặc đến bao vây đền để bắt sống đồng chí. Lê Xuân Đào đã chạy ra cánh đồng trước chùa dùng súng ngắn để chiến đấu. Bọn lính được lệnh nổ súng và  đồng chí bị thương nặng, sau đó đã hy sinh, vào lúc 2 giờ ngày 25/3/1932 (tức là ngày 19/2/ Nhâm Thân).

        Đồng chí  Lê Xuân Đào là nhà hoạt động xuất sắc của phong trào cách mạng ở Nghệ An lúc bấy giờ. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn. Nhưng đức hy sinh và lòng dũng cảm phi thường của đồng chí thì bất tử.

           Một người em trai của đồng chí là ông Lê Thúc Cương, tham gia tổ in ấn của Phủ uỷ từ năm 1931, hoạt động  cách mạng liên tục cho đến khi nghỉ hưu, là cán bộ Lão thành cách mạng gương mẫu. Cháu nội của đồng chí Lê Xuân Đào là Đại tá Lê Hải Châu, sinh năm 1954, từng công tác tại Cục Kỹ thuật Bộ Công an, đã và đang tích cực tham gia trùng tu chùa Trẹ, xã Hưng Đạo.       

Anh-tin-bai

Chùa Kẻ Trẹ - Nơi đồng chí Lê Xuân Đào hi sinh

           Chùa Kẻ Trẹ, nơi đồng chí Lê Xuân Đào nương náu và hy sinh, đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích Lịch sử-Cách mạng. Ở xã Hưng Chính thành phố Vinh có con đường mang tên đồng chí Lê Xuân Đào. Một con kênh đào ở Hưng Nguyên dài 6 km, từ Hưng Thông qua Hưng Nghĩa đổ ra sông Lam tại xã Châu Nhân mang tên kênh đồng chí Lê Xuân Đào. Đảng bộ cơ quan Huyện ủy Hưng Nguyên và Trường THCS xã Hưng Lĩnh vinh dự mang tên đồng chí Lê Xuân Đào.

                                                                                       Thái Huy Bích -  Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên

         

           Tài liệu tham khảo chính:

1/Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Tập I (1930-1945)

2/ Lịch sử Đảng bộ huyện Hưng Nguyên, Tập I (1930-1945)

 

THÔNG BÁO
Đăng nhập

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN HƯNG NGUYÊN
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó chủ tịch UBND Huyện
Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Huyện Hưng Nguyên

Trụ sở: Khối 5 - Thị trấn Hưng Nguyên - huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
Điện thoại: 0945491201; 0971453015 - Email: daihungnguyen2018@gmail.com