Anh hùng Lao động Cao Lục- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Ba Tơ là tấm gương sáng ngời về một người Bộ Đội Cụ Hồ, đi đánh thắng giặc Pháp, về quê làm nông nghiệp, đánh thức tiềm năng đất đai, biến một vùng quê nghèo trở nên trù phú.
Ông sinh năm 1929, tại làng Ngọc Điền, xã Hưng Thái (nay là thị trấn Hưng Nguyên), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đây là vùng đất trũng “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập”, quá nửa diện tích canh tác chỉ làm được mỗi vụ chiêm. Cái nghèo đói đeo bám người nông dân ngàn đời. Năm 1949, chàng thanh niên Cao Lục xung phong vào bộ đội, thuộc biên chế Đại đoàn 308. Ông tham gia các trận đánh Pháp ở chiến dịch biên giới, sau đó tham gia trận Điện Biên Phủ. Trong quá trình chiến đấu ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được kết nạp vào Đảng và làm đến chức Trung đội trưởng.
Anh hùng Cao lục
Năm 1958, ông được phục viên. Trên đường về ông nung nấu khát vọng cháy bỏng: làm sao cho quê hương mình thoát nghèo? Về đến Vinh, gặp cuộc triển lãm nông nghiệp toàn tỉnh, ông liền vào tham quan, rồi dùng toàn bộ số tiền trợ cấp phục viên để mua sách kỷ thuật nông nghiệp. Lúc bầy giờ, Đảng bộ xã đang mở cuộc vận động xây dựng tổ đổi công để tiến tới thành lập HTX, ông hăng hái tham gia và được bầu làm Tổ trưởng tổ đổi công đầu tiên của xã, gồm 8 gia đình. Ông quan tâm việc cải tiến nông cụ, vận động dùng cày 51 thay cày chìa vôi, làm thí nghiệm trên thửa ruộng 2 sào 4 thước, áp dụng khoa học kỹ thuât thay đổi tập quán canh tác. Kết quả vụ đầu tiên đạt năng suất 42tạ/ha, cao hơn hẳn trước đây. Số hộ tham gia tổ đổi công tăng lên. Ngày 12/9/1958 các tổ đổi công ở xóm Đông và xóm Trung chuyển thành HTX Trung Đông, ông Cao Lục được bầu làm Chủ nhiệm. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Hưng Nguyên, 4 HTX: Trung Đông- Nam- Nhẹ- Cầu Dền hợp nhất thành một HTX, đặt tên là HTX Ba Tơ (Ba Tơ là tên một huyện của tỉnh Quảng Ngải, huyện kết nghĩa với huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An). Ông Cao Lục được bầu làm Chủ nhiệm HTX Ba Tơ. Ông chọn công tác thủy lợi làm khâu đột phá để cải tạo đồng ruộng, tăng diện tích lúa từ một vụ lên hai vụ. Ông lên kế hoạch đắp con đê bao quanh làng để chống lụt; xây dụng hệ thống mương tưới nước khi gặp nắng hạn, thoát nước khi ngập úng. HTX phát động toàn dân làm thủy lợi. Ông tham mưu với chính quyền xã liên hệ trường Đại học Sư phạm Vinh đưa sinh viên về tham gia đào ao, đắp đường. Trong vòng ba năm, khối lượng đất đào đắp được trên 60.000 m3, hình thành một hệ thống hơn 3 km đê bao quanh xóm làng. Tiếp đến, HTX quy hoạch giao thông: mở hai trục đường chính xuyên suốt làng Ngọc Điền, nối với đường 12/9. Mặt đường đủ rộng để xe cải tiến xe trâu, bò, xe cơ giới nhỏ có thể đi lại. Trên các khoảnh ruộng, cứ khoảng 200 m lại có một con đường rộng khoảng 2-3 m, bên cạnh là một con mương dẫn nước tưới tiêu. Đến năm 1961, HTX Ba Tơ kết nạp được 125 hộ, tổng diện tích 182 ha. Tất cả ruộng đã sản xuất được hai vụ lúa mối năm, trong đó khoảng 60 ha còn làm thêm vụ ba. Các biện pháp thâm canh cây trồng được áp dụng: cày ải và bón phân đúng thời điểm; gieo cấy đúng thời vụ, đặc biệt là phải chọn được giống tốt, giống ngăn ngày để tránh lũ lụt và làm thêm vụ ba. Ông tìm đến Viện Giống cây trồng của Bộ Nông nghiệp, các HTX làm ăn khá trong và ngoài tỉnh để tìm giống lúa. Ông giành 10 ha ruộng để chọn lọc và nhân giống. Kết quả, HTX Ba Tơ không những tự sản xuất được giống tốt mà còn có dư để bán cho các HTX khác. Ba năm sau khi thành lập, năng suất lúa HTX Ba Tơ tăng 6 lần.
Để phá thế độc canh cây lúa, HTX Ba Tơ mở lối phát triển chăn nuôi. Đầu tiên tập trung công sức để nuôi cá. Từ đầu những năm 1960, ông Cao Lục cử một đoàn cán bộ ra tỉnh Hà Nam học tập phương pháp nuôi cá. Ông mua giống cá mè, cá chép và thuê chuyên gia về hướng dẫn chăn nuôi. Cá nuôi thí nghiệm tại vùng Cầu Cổng, cho thắng lợi ngay từ vụ đầu tiên. Sau đó, ông cho sản xuất đại trà trên toàn bộ diện tích 10 ao, mỗi ao 1.000 m2, hàng năm thu được hàng trăm tấn cá. Khi cán bộ HTX nắm được kỹ thuật, ông kết thúc hợp đồng với chuyên gia Hà Nam. Bên cạnh ao cá thịt là hệ thống ao nhỏ nuôi cá đẻ, ươm cá hương, nhiều độ tuổi khác nhau cung cấp giống cho các ao nuôi. Cá nuôi đầy đồng nhưng không mất mát vì kỷ luật HTX rất nghiêm. Ai bắt trộm cá bị phạt rất nặng.
Có câu chuyện thử thách Chủ nhiệm như sau: đêm ấy trời mưa, trăng mờ, một con cá chép to trườn lên bờ, mấy người bảo vệ bắt cá đặt giữa đường, rồi trốn trong bụi cây chờ xem ông Cao Lục đi họp về qua đó sẽ xử lý thế nào. Ông thấy cá nằm trên đường, liền bước tới, vuốt ve cá rồi thả xuống ao. Câu chuyện truyền tụng khắp cả vùng, mọi người nể phục ông và càng chấp hành nghiêm việc bảo vệ tài sản của HTX.
HTX Ba Tơ phát triển chăn nuôi lợn, kết hợp quy mô gia đình và trang trại tập trung quy mô lớn. Liền kề ao cá là khu trại chăn nuôi lợn gần 1000 con, có vườn rau nuôi lợn rộng 10 ha, luôn có cán bộ túc trực chăm sóc.
Năm 1972, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Nhà máy điện Vinh phải chia nhỏ máy móc để sơ tán. Ông Cao Lục thuyết phục xã viên và liên hệ Nhà máy để đưa điện về làng. Nhà máy điện Vinh bố trí trạm điên 320 KW ở khu vực tây bắc Cầu Mưng. Cạnh trạm điện HTX quy hoạch một trung tâm kinh tế, để phát triển tiểu công nghiệp. Hai bên bờ sông đào, các cơ sở sản xuất mới ra đời và hoạt động hiệu quả như: trạm cơ khí, máy xay xát, máy ép gạch ngói, máy nghiền thức ăn gia súc,..; trại cá giống, sân phơi và kho thóc lớn dự trử thóc. HTX có hẳn một đội cơ khí, với đủ máy phay, máy bào, máy tiện,…tinh xảo nhất tỉnh lúc bấy giờ. Khu sản xuất gạch ngói thường xuyên có hàng chục thợ-xã viên, cho ra lò hàng chục vạn viên mỗi năm, đủ cung cấp cho nhu cầu xây dựng trong xã. HTX có lò vôi liên hoàn, sản xuất quanh năm, đủ vôi cho các công trình xây dựng và cải tạo đất. Đồng ruộng HTX được khoanh vùng theo ô thửa lớn để sử dụng máy cày bừa.
Anh hùng Cao Lục sinh năm 1929, mất 1974
Ông Cao Lục luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung- dân chủ trong Ban quản trị HTX, trân trọng những cán bộ chuyên môn đã được đào tạo, bỏ qua những nhược điểm về cá tính của họ, có chính sách đãi ngộ phù hợp để họ gắn bó lâu dài với HTX. Đối với những nghề mới ông cử người trẻ đi tìm thầy học việc hoặc mời chuyên gia truyền nghề tại chỗ. Tháng 10/ 1972, ông tham mưu với lãnh đạo huyện, mở một trường Cấp III vừa học vừa làm, tiền thân của trường THPT Thái Lão ngày nay. Học sinh cũ của trường nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ kỹ thuật hoặc lao đông giỏi.
HTX Ba Tơ trở thành lá cờ đầu của ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An, năm 1961, vinh dự được đón tiếp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp TW, về thăm. Nghe báo cáo, cùng lội ruộng thăm đồng với Cao Lục, Đại tướng rất hài lòng. Trước khi chia tay bà con, Đại tướng nói: “Phải suy nghĩ, phải nói, phải làm như cao Lục”. Năm 1962, ông Cao Lục vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đầu năm 1974, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm HTX Ba Tơ, một điển hình sản xuất nông nghiệp của miền Bắc XHCN.
Anh hùng Cao Lục là hình mẫu người cán bộ liêm khiết, tận tụy với công việc, đặt lợi ích tập thể và đất nước lên trên lợi ích của cá nhân và gia đình mình. Ông tự nấu cơm ăn và ngủ tại phòng làm việc, có lúc ở khu vực trại chăn nuôi, thức đêm cùng cán bộ thú y chăm sóc lợn đẻ. Ông có phần sơ suất trong việc chăm sóc gia đình và bản thân. Có lần đang mải lo việc công, người đền báo tin con ốm, ông bảo: “Đã có ông Luận lo”. Lúc bấy giờ ông Luận là Trạm trưởng trạm y tế xã. Cũng vì lao vào làm việc, ăn uống đơn giản, ông không chú ý giữ gìn sức khoẻ, bị ốm vẫn gắng làm việc, mãi cho đến khi bệnh quá nặng đưa đi cấp cứu thì đã quá muộn. Ông mất tại Bệnh viện Việt Xô (Hà Nội) ngày 05 tháng 8 năm 1974. Anh hùng Cao Lục lúc ấy mới tròn 45 tuổi, một độ tuổi hứa hẹn nhiều cống hiến cho nhân dân. 15 năm làm Chủ nhiệm HTX ông đã đem lại sự đổi thay to lớn cho quê hương, cơ sở vật chất HTX được tăng cường theo hướng hiện đại, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Riêng ông giản dị đến mức khổ hạnh, đi chiếc xe đạp cà tàng, mặc chiếc quần soóc, áo bà ba cũ, đi chân đất cho dễ lội ruộng.
Ông đi xa đã 45 năm, nhưng nhân dân làng Ngọc Điền, thị trấn Hưng Nguyên, mỗi khi kể chuyện về Anh hùng Cao Lục ai cũng ngưỡng mộ, tiếc thương và tự hào./.
Thái Huy Bích
Tài liệu tham khảo chính:
-Ban Tuyên giáo Nghệ An- “Nghệ An, những con người tiêu biểu”(1030-1945)
tập I- NXB Nghệ An- 2019
-Hồi ức của ông Cao Thuyết, sinh năm 1941, cháu gọi ông Cao Lục bằng chú ruột, và bà Cao Thị Khai (Bà Lục), vợ của ông Cao Lục, năm nay 87 tuổi.