image banner
Điểm thành tựu kinh tế xã hội nổi bật năm 2021

Năm 2021, huyện Hưng Nguyên phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của nhân dân, huyện nhà đã đạt được kết quả trong thực hiện “Mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, có 23/27 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch. 

Công tác phòng, chống dịch được UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, có biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 kịp thời, hiệu quả và phù hợp với tình hình dịch diễn biến phức tạp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong huyện; với yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết, qua đó đã từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 6.427 tỷ đồng, bằng 100,3%KH, bằng 110,75% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,6% (vượt kế hoạch đề ra 8,5% - 9,5 %).  Tổng thu ngân sách trên địa bàn do huyện quản lý ước đạt 547 tỷ đồng, bằng 317% dự toán tỉnh giao và đạt 144 % dự toán HĐND huyện điều chỉnh, bổ sung. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồngThu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng.

Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, cùng với sự phấn đấu của toàn thể nhân dân huyện nhà đã quyết tâm khắc phục khó khăn, nên sản xuất nông nghiệp năm 2021 đã giành được nhiều thắng lợi lớn. Toàn huyện đã xây dựng được 45 mô hình trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trong đó sản xuất được 37 cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa.  Sản xuất lúa vụ đông xuân và hè thu được mùa toàn diện, tổng diện tích gieo cấy đạt 9.562 ha năng suất lúa tăng 6 tạ/ ha so với năm 2000, tổng sản lượng lúa đạt  58.328,5 tấn.  Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi  và bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò  nhưng chăn nuôi vẫn có bước phát triển mạnh. Tổng đàn trâu, bò  xấp xỉ 13.154 con, chương trình Zebu hóa đàn bò được đẩy mạnh, nâng tỷ lệ Lai Zebu đạt hơn 77 % tổng đàn;  Đàn lợn đạt 13.842 con, đàn gia cầm 902.000 con.Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 5.235 tấn.  

Tổ chức xây dựng và đánh giá và phân hạng sản phẩm chương trình “mỗi xã một sản phẩm” ( OCOP) huyện Hưng Nguyên năm 2021 cho 3 sản phẩm đó là bánh cà quê Hưng Tân, Dưa lưới NTFARM và nước khoáng Thạch Tiền. Trong đó có 2 sản phẩm đó là bánh cà quê Hưng Tân và dưa lưới NTFAMR của HTX Phú Thịnh được thẩm định và phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

            Xây dựng NTM tiếp tục được tập trung, đến hết năm 2021, Hưng Nguyên có 16/17 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 94,12% bình quân 16,8 tiêu chí/xã. Năm 2021 xã Hưng Yên Nam đã nỗi lực rất lớn để hoàn thành các tiêu chí như xây dựng nhà văn hoá xóm được 7/8 xóm. Xã Hưng Tân đang hoàn thiện hồ sơ minh chứng và trình tỉnh thẩm định xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021. Đến nay các xã đã nhận 4.500 tấn xi măng từ nguồn hỗ trợ của huyện để xây dựng đường giao thông nông thôn, huy động được gần 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình như: Nhà văn hóa, đường giao thông, kênh mương thủy lợi,....và hơn 3000 ngày công của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp tuy chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với kế hoạch sản xuất linh động, khi toàn huyện chuyển sang giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16, hầu hết các cơ sở, nhà máy đều chuyển sang trạng thái hoạt động “04 tại chỗ”, đảm bảo vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch.  Một số cơ sở sản xuất đã kịp thời chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng cấp thiết theo nhu cầu thị trường như:  khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, nước rửa tay kháng khuẩn... UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp và kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Các sản phẩm công nghiệp như đá xây dựng, gạch nung, cát sỏi, bia giấy sản lượng đều tăng so cùng kỳ năm 2020, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề ổn định. Năm 2021 tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp  đạt 2.529 tỷ đồng, bằng 101,96% KH, tốc độ tăng trưởng đạt 16,37%; Giá trị ngành xây dựng đạt 1.555 tỷ đồng.  

 Công tác thu hút đầu tư trên địa bàn huyện đạt được những kết quả khả quan.  Riêng khu công nghiệp VSIP đã có 28 khách hàng ký cam kết đầu tư  trong đó có 12 nhà đầu tư FDI, 16 nhà đầu tư trong nước, 28 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/chứng nhận doanh nghiệp với vốn đầu tư đăng ký hơn 11.591,23 tỷ đồng; Thu hút hơn 37.000 lao động; Hiện có 20 dự án đã đi vào hoạt động; 3 dự án đang triển khai xây dựng và 8 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư.

 Công tác giải phóng mặt bằng đã triển khai thực hiện bồi thường GPMB được 4 dự án; lập và phê duyệt phương án bồi thường GPMB 1.709 hộ bị ảnh hưởng với tổng kinh phí 221,95 tỷ đồng; tổng diện tích thu hồi 559 ha đất nông nghiệp.

 Hoạt động dịch vụ do dịch năm nau do đại dịch  Covid-19 bùng phát mạnh, trên địa bàn toàn huyện và các địa bàn lân cận phải áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, chỉ thị 16 nên chuỗi cung ứng hàng hóa và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, nhiều ngành dịch vụ đều bị ảnh hưởng nhất định, ảnh hưởng nặng nề nhất chủ yếu là tại các chợ và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, có lúc 11/13 chợ phải tạm dừng hoạt động, 2 chợ chỉ hoạt động các mặt hàng thiết yếu. Đến nay, các hoạt động thương mại, dịch vụ đã từng bước phục hồi, dần ổn định trở lại. UBND huyện đã tích cực chỉ đạo công tác khuyến thương, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối giao thương và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.Tốc độ tăng trưởng của khu vực thương mại - dịch vụ đạt 8,35% năm 2021. Giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 1.403 tỷ đồng, bằng 99,82% kế hoạch, tổng mức bán lẻ hàng hóa 3.205 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch, tăng trưởng 10,2%.

 Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh trong chuyên môn y tế, đặc biệt là tổ chức triển khai thực hiện phòng chống dịch Covid-19 kịp thời, hiệu quả. Hệ thống mạng lưới y tế và công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao[1]. Hiện nay, huyện Hưng Nguyên  có 119 cơ sở tham gia hành nghề Y, dược (bao gồm 01 Trung tâm y tế, 18 Trạm Y tế các xã, thị trấn, 98 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập). Số lượng bác sỹ làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện 49 BS/125.830 người dân, đạt tỷ lệ 3,9 Bác sỹ/1 vạn dân. Đến cuối năm 2021 có 17/18 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 95,6%..

 Chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục được nâng cao. Chất lượng giáo dục ở các cấp học có nhiều chuyển biến tích cực và vững chắc; công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn cho trẻ em được chú trọng trọng, giáo dục học sinh toàn diện về đức, trí, thể, mỹ và kỹ năng sống. ”.  Giáo dục mũi nhọn đứng thứ 4 toàn tỉnh.

 Năm 2021, Ngành VH-TT tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương và kỷ niệm các ngày lễ lớn, như: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu năm 2021; Tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.. và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ  và đặc biệt là tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19... bằng nhiều hình thức như băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, sách và tờ rơi[2]. Bên cạnh đó còn tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, hệ thống loa công cộng, cổng thông điện tử huyện và tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động mang lại nhiều hiệu quả cao.

Công tác xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nghề được quan tâm chỉ đạo, trong năm 2021 ước giải quyết việc làm mới 3.009 lao động, đạt 100,02% kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm mới trong tỉnh 2.076 người, giải quyết việc làm ngoại tỉnh 585 người; số lao động đi xuất khẩu lao động 348 người đạt 69,6%. Thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm tại KCN VSIP và cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Hưng Nguyên giai đoạn 2021-2025, số lao động qua đào tạo nghề dự kiến năm 2021 đạt 3.450 lao động gồm: Đại học, cao đẳng nghề: 285 lao động; trung cấp nghề: 396 lao động; sơ cấp nghề: 669 lao động; đào tạo thường xuyên: 2.100 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chung là 65%, trong đó tỷ lệ lao động nông thôn được tập huấn kĩ thuật 48%.

Chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, đã tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo phương pháp đa chiều giai đoạn 2021-2025 (Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025), dự kiến hộ nghèo toàn huyện 659 hộ, chiếm tỷ lệ 1,9%; hộ cận nghèo 1.365 hộ, chiếm tỷ lệ 4,02%, Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được duy trì nề nếp, đúng quy định, thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND huyện tại Trụ sở Tiếp công dân của huyện, các đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị được xử lý kịp thời, đảm bảo đúng quy định.

Công tác an ninh, quốc phòng và đảm bảo trật tự an toàn xã hội được tập trung chỉ đạo quyết liệt. UBND huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, an ninh trật tự năm 2021 cơ bản ổn định, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩu sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

BBT



 

 

THÔNG BÁO
Đăng nhập

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN HƯNG NGUYÊN
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó chủ tịch UBND Huyện
Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Huyện Hưng Nguyên

Trụ sở: Khối 5 - Thị trấn Hưng Nguyên - huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
Điện thoại: 0945491201; 0971453015 - Email: daihungnguyen2018@gmail.com