image banner
Hưng Nguyên: Hưng Tân chặng đường 70 năm đổi mới và phát triển

Hưng Tân tự hào là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Trước đây Hưng Tân gồm 2 làng là Hoàng Cần và Phan Thôn. Cùng với sự biến thiên của lịch sử, chiến tranh, thiên tai nhưng người dân Hoàng Cần và Phan Thôn vẫn tạo dựng được nét đặc trưng, đó là cần cù, chịu khó, lạc quan, sáng tạo và tự tôn dân tộc. Đó chính là nền tảng là điểm tựa vững chãi để lớp lớp thế hệ con cháu hôm nay và mai sau vững bước đi lên xây dựng quê hương chuyển mình mạnh mẽ. Một Hưng Tân hôm nay đang “dệt” nên những gam màu mới đổi thay toàn diện và yên bình.

Anh-tin-bai

Những ngày chưa có Đảng, dưới sự áp bức của chế độ thực dân phong kiến, nhiều tấm gương nghĩa liệt của làng Hoàng Cần và Phan Thôn xuất hiện. Hoàng Cần có cụ Tổng giáo Khanh được Phan Đình Phùng giao chức “Tổng đốc quân lương” lo việc lương thực cho nghĩa quân kháng Pháp. Phan Thôn có ông Nguyễn Thái Bạt tuy làm quan Tri huyện nhưng đã bí mật ủng hộ phong trào Cần Vương nên đã bị thực dân Pháp giam cầm, tra tấn đến hy sinh. Phan Thôn còn có bà Nguyễn Thị Tích (tức Lý Phương Thuận) là một trong 5 thanh niên được Bác Hồ cử xuất dương đầu tiên. Sau cách mạng bà trở thành nữ chiến sỹ tình báo đầu tiên của lực lượng an ninh cách mạng Việt Nam.

Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, giương cao ngọn cờ lãnh đạo nhân dân tranh đấu. Thời gian này, ở Hoàng Cần và Phan Thôn tuy chưa thành lập được chi bộ nhưng các tổ chức Nông hội đỏ và các đội Tự vệ đã sớm hình thành và hoạt động rất tích cực và đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ Thông Lãng. Tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Trong cuộc tổng diễn tập đầu tiên đó, có 20 người con ưu tú của Hoàng Cần và Phan Thôn đã anh dũng hy sinh.

Dưới sự lãnh đạo của phủ ủy Hưng Nguyên, nhân dân Hoàng Cần, Phan Thôn đã hăng hái tham gia phong trào dân chủ 1936 – 1939 và nổi dậy dành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám năm 1945. Rạng sáng ngày 20/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa và lực lượng tự vệ làng Hoàng Cần dẫn đầu là các đồng chí Hồ Ngôn, Nguyễn Đăng Bỉnh, Phan Xầm với sự tham gia của gần 1000 quần chúng lần lượt kéo về đình làng. Tại đây đồng chí Phan Xầm đã đọc lệnh Tổng khởi nghĩa. Cùng thời điểm đó, ở Phan Thôn, các đồng chí trong nông hội đỏ như Hồ Lung, Nguyễn Hữu Niệm, Đồ Diên vận động nhân dân đứng lên cướp chính quyền. Chỉ trong buổi sáng ngày 20/8/1945 khởi nghĩa dành chính quyền ở Hoàng Cần và Phan Thôn đã dành thắng lợi hoàn toàn. Ngay sau khởi nghĩa, Ủy ban cách mạng lâm thời đã ra mắt nhân dân. Được sự hướng dẫn trực tiếp của Phủ ủy Hưng Nguyên, đầu năm 1946, chi bộ Minh Tân (gồm những Đảng viên ưu tú của Hoàng Cần và Phan Thôn) chính thức ra đời. Cùng thời điểm đó, xã Minh Tân được thành lập (trên cơ sở hợp nhất từ làng Hoàng Cần và Phan Thôn lấy tên gọi  là xã Minh Tân ).

Tháng 5 năm 1949, theo chủ trương của cách mạng hồi đó nhiều xã nhỏ được sáp nhập thành xã lớn. Xã Minh Tân cùng với Hưng Tiến, Hưng Thắng, Hưng Thông nhập lại, lấy tên gọi là xã Hưng Thông.

Tháng 12 năm 1953, huyện Hưng Nguyên chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, trong đó xã Hưng Thông lớn được chia thành 4 xã (Tân, Thông, Tiến, Thắng). Từ đây cái tên Hưng Tân chính thức ra đời.

Anh-tin-bai

Đảng bộ và Nhân dân xã Hưng Tân vừa cũng cố chính quyền, vừa xây dựng hạ tầng đi đôi với phát triển kinh tế đồng thời  dốc sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong 9 năm kháng chiến, toàn xã Hưng Tân có hơn 300 lượt thanh niên tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến,  đã có 36 người con hy sinh anh dũng, 27 người thương binh, bệnh binh.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhân dân Hưng Tân vừa bắt tay xây dựng CNXH vừa làm hậu phương, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Với phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nhân dân Hưng Tân đã tiễn hàng trăm lượt thanh niên, hàng ngàn tấn lương thực vào Nam đánh Mỹ ở hậu phương.

Trong  giai đoạn chiến tranh, bằng lòng yêu nước, nhân dân Hưng Tân lại dang rộng vòng tay, nhường cơm sẻ áo che chở các cơ quan của Tỉnh và Huyện như: Tỉnh đoàn Nghệ An, Đài PTTH Tỉnh; Huyện ủy, UBND và các phòng, ngành, đoàn thể huyện Hưng Nguyên, xưởng cơ khí 12/9 và hàng trăm đồng bào TP Vinh về sơ tán, làm việc, học tập. Với truyền thống hiếu học, chính nơi đây, mái trường cấp 3 Hưng Nguyên ( nay là Trường THPT Lê Hồng Phong) chính thức ra đời, ngày đêm dạy và học trong sự đùm bọc, che chở của nhân dân Làng Nam và Làng Phan – xã Hưng Tân.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, thanh niên Hưng Tân chiến đấu trên các chiến trường đều tỏ rõ bản lĩnh, chí khí kiên trung, dũng cảm, không sợ hy sinh. Tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng phi công Ngô Đức Mai được Bác Hồ khen ngợi. Anh hùng liệt sỹ pháo cao xạ Phan Đăng Cát gắn với chiến thắng trận đầu trở thành tấm gương để toàn quân học tập.

Năm 1975, miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước khải hoàn ca, quân dân Hưng Tân đã đóng góp xứng đáng cho đất nước. 720 thanh niên tòng quân, 157 người tham gia TNXP, 487 dân quân du kích, hơn 600 người tham gia dân công hỏa tuyến, hàng trăm lượt người ở đội pháo 75 ly và 12ly 7; huy động  hơn 3.000 tấn lương thực và thực phẩm phục vụ các chiến trường.

Kết thúc chiến tranh, Hưng Tân  có 150 liệt sỹ, 240 thương binh, 68 bệnh binh; 02 anh hùng LLVTND; 16  bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Mẹ VNAH. Với những đóng góp xứng đáng, năm 1998 Hưng Tân đã trở thành xã đầu tiên của Hưng Nguyên được phong tặng danh hiệu cao quý  Anh hùng LLVTND.

Anh-tin-bai

Đất nước tự do, độc lập, bước vào thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đảng bộ Hưng Tân đề ra chủ trương “Cũng cố HTX, đẩy mạnh công tác khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích, đi đôi với với đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhất là trong sản xuất lúa; phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại; phấn đấu giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm, góp phần cùng với nhân dân cả nước nâng cao tổng sản phẩm xã hội; từng bước tự túc lương thực, thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa, giáo dục và bảo vệ sức khỏe, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trên quê hương, đảm bảo tốt công tác an ninh – quốc phòng để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

Anh-tin-bai

Phát huy truyền thống, trong sự nghiệp đổi mới, Hưng Tân luôn nỗ lực gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Đặc biệt hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định đây là một chủ trương lớn để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nên Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã tập trung cao độ; đề ra nhiều giải pháp hay, cách làm mới, sáng tạo đã tạo được sự đồng thuận giữa ý Đảng lòng dân. Người dân Hưng Tân đã xác định được rõ chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới nên đã đoàn kết, đồng lòng, hiến kế, góp của, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang quang cảnh nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, toàn xã đã huy động hơn 300 tỷ đồng để xây dựng, kiến thiết, trong đó nhân dân đóng góp hơn 50% cùng với việc hiến gần 10 ha đất; đóng góp hàng ngàn ngày công lao động. Từ một xã thuần nông khó khăn, năm 2014 Hưng Tân đã vươn lên trở thành xã đầu tiên của Hưng Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới; Năm 2019 được công nhận xã NTM đẹp nhất tỉnh Nghệ An; Năm 2022 đạt chuẩn NTM nâng cao; Năm 2024 được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó có nhiều điểm sáng được nhân rộng trên địa bàn toàn quốc và toàn tỉnh, được đón các đoàn khách Trung ương, Tỉnh và huyện về tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Anh-tin-bai

Hưng Tân luôn xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, nhân dân đồng lòng chung sức nên đến nay bộ mặt nông thôn đã thật sự khởi sắc, đời sống vật chất và tỉnh thần của người dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hưng Tân thật sự đã trở thành một miền quê yên bình, đổi mới.

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã trong niềm vui mới Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân xã nhà đón nhận danh hiệu xã chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Hưng Nguyên, chúng ta lại càng trân trọng, biết ơn các thế hệ cha ông đã có công khai phá, tạo dựng mảnh đất Hưng Tân; đời đời ghi nhớ công ơn các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh, TNXP, những người có công với nước đã không tiếc máu xương để góp phần tô thắm trang sử chói ngời của mảnh đất Hưng Tân Anh hùng. Thế hệ hôm nay luôn trân trọng, ghi nhớ và tiếp tục noi gương lớp lớp người dân Hưng Tân nỗ lực lao động, sáng tạo, kiến thiết góp phần xây dựng quê hương Hưng Tân giàu đẹp, văn minh./.

Trọng Tâm

 

 

THÔNG BÁO
Đăng nhập

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN HƯNG NGUYÊN
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó chủ tịch UBND Huyện
Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Huyện Hưng Nguyên

Trụ sở: Khối 5 - Thị trấn Hưng Nguyên - huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
Điện thoại: 0945491201; 0971453015 - Email: daihungnguyen2018@gmail.com