image banner
Hưng Nguyên: Người thợ đóng thuyền được tạc bia đá
              Ở xã Hoàng Lao, huyện Hưng Nguyên, nay là xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, có một bia đá 4 mặt, làm bằng đá quý, quay về 4 hướng, đặt trong nhà che bia hình cái lăng rỗng. Mỗi mặt bia đều có đầu đề bằng chữ to ở trên. Mặt chính diện, hướng nam: Hậu thần bi ký (Bia chép bài ký Hậu thần); hướng tây: Hưng Phật, Thánh, Thần (Phât, Thánh Thần hưng thịnh); hướng bắc: Chung, đình, tỉnh, độ (Chuông, đình, giếng, đò); phía đông: Các điều lệ tạo (Đều lệ của làng). Bia do Binh khoa Cấp sự trung Tống Độn Phu, người châu Ái, soạn tháng 7 năm Chính Hoà thứ 17 (1696).
Anh-tin-bai

Người thợ đóng thuyền được tạc bia đá

Bài viết này chỉ giới thiệu nội dung văn bia liên quan đến ngài Nguyễn Chí Đức, người thợ đóng thuyền tài năng và đức độ được Vua phong chức “Quyền tri tổng đốc”, được tôn là Hậu thần thờ ở đình làng Trung Kiên, công lao được tạc bia đá.

                      1.Mặt bia hướng nam     

In sao chữ Hán                     

英都府興元縣黃牢社后神碑記

夫通明正直謂之神所以血食於萬代也自泳大福德大力量安能血食於後而使人敬畏奉承者哉玆本社官員上下等竊見令公才高手段智出尋常冑申規矩準繩彫成鳳采力大機摳墨天任作龍

舟名可接鼓前恩仰蒙帝德糾率民兵匠局祿厚圭田擢升總督權知爵應侯伯鳳鸞緣配琴瑟調和

膝下生歡喜現隸堂稱慶目前秀叢炳然璋琪成捧務施恩澤鄉鄰厚賜亭連鉦货人匕與皆親愛敬

立后神歲歲常有禮儀惠昭典哲於家例其忌臘于席請啟夏殷載稽山嶽之恩爰立碑盟壹座共指

江河之誓益綿苗裔永傳是碑也與天地同其悠久與日月並其光明足以垂千萬世於無窮矣                                遂書于珉以記事跡

Phiên âm:               Hậu thần bi ký

Anh Đô phủ, Hưng Nguyên huyện, Hoàng Lao xã Hậu thần bi ký.

 Phù thông minh chính trực, vị chi thần, sở dĩ huyết thực ư vạn đại dã. Tự vịnh đại phúc đức, đại lực lượng, an năng huyết thực ư hậu, nhi sử nhân kính úy phụng  thừa giả tai! Tư bản xã quan viên, thượng hạ đẳng, thiết kiến Lệnh công tài cao, thủ đoạn trí xuất tầm thường, trụ thân quy củ chuẩn thằng, điêu thành phượng thái, lực đại cơ khu mặc thiên, nhậm tác long chu, danh khả tiếp cổ tiền ân, ngưỡng mông đế đức, củ suất dân binh tượng cụ, lộc hậu khuê điền, trạc thăng Tổng đốc quyền tri, tước ưng Hầu, Bá. Phượng loan duyên phối, cầm sắt điều hòa, tất hạ sinh hoan hỉ. Hiện lệ đường xưng khánh, mục tiền tú tùng bính nhiên, chương kỳ, thành phủng vụ thí ân trạch hương lân, hậu tứ đình liên chinh hóa. Nhân chủy dữ giai thân ái kính, lập Hậu thần tuế tuế thường hữu lễ nghi, huệ chiêu điển triết ư gia lệ. Kỳ kỵ lạp vu tịch, thỉnh khải hạ ân tải kê sơn nhạc chi ân.

Viên lập bi minh nhất tòa, cộng chỉ giang hà chi thệ, ích miên miêu duệ vĩnh truyền thị bi dã. Dữ thiên địa đồng kỳ du cửu, dữ nhật nguyệt tịnh kỳ quang minh, túc dĩ thùy thiên vạn thế ư vô cùng hĩ. Toại thư vu mân dĩ ký sự tích

Dịch nghĩa            Bài ký bia Hậu thần

          Bài ký bia Hậu thần xã Hoàng Lao, huyện Hưng Nguyên, phủ Anh Đô.

          Phàm đã là Thần thì thông minh chính trực, cho nên được nhận cúng tế  muôn đời. Nếu Thần không đắm mình trong biển bao dung và phúc đức rộng lớn thì làm sao được người dân kính trọng phụng thờ và truyền mãi về sau.

Anh-tin-bai

Tấm văn bia được ông Bích nghiên cứu và phát hiện ra 

          Nay các quan viên lớn nhỏ trong xã trộm thấy Lệnh công (1) tài cao hơn người, trí tuệ xuất chúng, xử thế mẫu mực, có tài chạm khắc, lập nên công xưởng lớn, nhận đóng Thuyền rồng, nổi tiếng gần xa. Theo lệnh Vua, chỉ huy cả đội dân binh làm tròn nhiệm vụ, được ban lộc hậu ruộng tốt. Từ dân thường Ngài  được cất

 nhấc lên “Quyền tri tổng đốc” (2) được ban tước Bá, tước Hầu. Nhân duyên vợ chồng hoà hợp, con cái sum vầy vui vẻ. Cụm các công trình cạnh đình làng hoàn thành, sáng đẹp như chùm ngọc. Ngài ban ân trạch cho dân, xây đình, sắm chuông, cung tiền của. Ai nấy đều kính yêu ngài, tôn làm Hậu thần, hàng năm cúng tế, ghi rõ vào Điều lệ của làng, ngày giỗ và lễ tết thỉnh mời Ngài trước hạ điện để tri ân công lao. Đồng lòng lập bia ghi công đức, hướng về dòng sông mà thề rằng: “Con cháu mai sau mãi mãi giữ gìn tấm bia này, vĩnh cửu như trời đất, sáng soi như nhật nguyệt, lưu truyền đến vạn đời”.

         Nay khắc văn bia lên đá quý để lưu truyền sự tích.

… (tiếp theo ghi danh sách 32 người là các quan viên trong xã thay mặt nhân dân)

          2.Mặt bia hướng tây (trích dịch): Hưng Phật Thánh Thần 

- Đền Thần xã nhà đã có từ trước, năm Đinh Dậu (1657) mới xoay chuyển theo hướng Nam. Đến năm Canh Tuất (1670) xây dựng tiền đường một toà 3 gian do đền cũ sắp hỏng. Sau đó, đến năm Kỷ Mùi (1679) làm thêm 2 toà thượng và hạ điện nữa, tổng cộng là 3 toà...

- Người được tôn làm Hậu thần là Ngài Nguyễn Quý Đức và vợ cả. Bài vị của Ngài như sau “Tiền Minh Nghị tướng quân Xa Kỵ vệ Tổng tri ty Tổng tri Cai hợp Hoa Tài hầu Nguyễn Quý công tự Chí Đức huý Quảng Độ phủ quân”.

          Vợ cả của ngài là Hoàng Thị Ước đồng ý cho xã nhà một ngôi đình lớn ba gian, hai hối văn, 7 cây cột lớn, 10 cây cột con, một cái chiêng vàng, hai trăm quan tiền cổ.”

          3. Nghiên cứu tư liệu do nhân dân cung cấp

          1/ Theo hồ sơ đề nghị công nhận di tích đình làng Trung Kiên của UBND xã Nghi Thiết thì công lao của ông Đức được tóm tắt như sau: Thời ấy,  vua Lê tuần du phương Nam. Đến địa phận xã Ích Hậu (nay thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đang lúc thủy triều lên, gió thổi mạnh, đoàn thuyền dễ dàng đi từ biển vào sâu trong đất liền. Khi thủy triều xuống thuyền rồng bị mắc cạn không cách nào kéo ra được. Có người tiến cử ông Nguễn Chí Đức là thợ giỏi, nhà Vua triệu tới, phong cho chức Quyền tri tổng đốc để cứu nạn thuyền Rồng. Ông Đức cho thợ ngăn thuyền làm 2 nửa rồi cưa ngang. Thế là thuyền nổi . Nhà Vua trọng thưởng . Ông dùng số tiền thưởng đó để phát triển làng nghề và xây dựng đình làng Trung Kiên.

          2/ Cuốn sách “Nghi Thiết trong tâm hồn Xứ Nghệ” (3) có đoạn “Quan Hậu thần năm 52 tuổi đã có công lớn giải thoát một đoàn thuyền bị mắc cạn trên kênh Nhà Lê trong cuộc tuần du phương Nam của Vua Lê Thái Tông năm Nhâm Tuất (1442) tại xã Ích Hậu.”

          3/ Bàn thêm về niên đại Thuyền rồng mắc cạn, không thể 1442. Bời vì, căn cứ văn bia thì “Ngài (Nguyễn Chí Đức) ban ân trạch cho dân, xây đình, sắm chuông, cung tiền của”. “Vợ cả của ngài là Hoàng Thị Ước đồng ý cho xã nhà một ngôi đình lớn ba gian, hai hối văn, 7 cây cột lớn, 10 cây cột con, một cái chiêng vàng, hai trăm quan tiền cổ.” Về thời gian làm đình thì “Đến năm Canh Tuất (1670) xây dựng tiền đường một toà 3 gian do đền cũ sắp hỏng. Sau đó, đến năm Kỷ Mùi (1679) làm thêm 2 toà thượng và hạ điện nữa, tổng cộng là 3 toà.” Như vậy đến năm 1670, chắc chắn vợ cả ông Nguyễn Chí Đức vẫn còn sống. Vậy việc cứu thuyền Vua Lê chắc là thời Lê Trung Hưng. 

           Bia hậu thần xã Hoàng Lao chế tác năm 1696, cách nay 323 năm mà văn bia còn rõ chữ, thân bia làm bằng đá quý vẫn nguyên vẹn,  nhà che bia làm bằng vôi vữa đã xuống cấp. Nội dung bia có nhiều bài học nhân văn mà hậu thế cần suy ngẫm. Bia nằm trong quần thể Di tích Đình Trung Kiên đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Tuy nhiên việc bảo vệ rất sơ sài, có nguy cơ bị xâm hại. Mong các cơ quan hữu quan lưu tâm bảo vệ di sản thuộc loại quý hiếm này.

Bài viết trích trong cuốn sách Trầm tích văn hóa Hưng Nguyên của Nhà nghiên cứu Hán Nôm Thái Huy Bích biên soạn

_____________________

(1) Lệnh công, là cách gọi tôn kính Ngài Nguyễn Chí Đức.   

(2) Quyền tri tổng đốc: là chức vụ được tạm quyền Tổng đốc điều động nhân tài vật lực trong việc cứu thuyền Vua mắc cạn. Xong việc được thưởng tước Hầu và tiền bạc, rồi thôi chức.   

(3) Nguyễn Thanh Hùng, Nghi Thiết trong tâm hồn Xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2015.                                            

THÔNG BÁO
Đăng nhập

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN HƯNG NGUYÊN
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó chủ tịch UBND Huyện
Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Huyện Hưng Nguyên

Trụ sở: Khối 5 - Thị trấn Hưng Nguyên - huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
Điện thoại: 0945491201; 0971453015 - Email: daihungnguyen2018@gmail.com