image banner
Tọa đàm 555 năm Danh xưng Hưng Nguyên
Chiều 12/9, huyện Hưng Nguyên tổ chức tọa đàm 555 năm Danh xưng Hưng Nguyên (1469 -2024)
Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự lễ tọa đàm

Tham dự có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh; Các đồng chí Nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ nghỉ hưu trên địa bàn huyện Hưng Nguyên và Thành phố Vinh; Các đồng chí Lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh là con em huyện Hưng Nguyên.

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự lễ tọa đàm

         Về phía huyện Hưng Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Trường Giang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ; Nguyễn Trường Thi, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Lê Phạm Hùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Các đồng chí nguyên là Bí thư, Phó Bí thư Huyện uỷ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện qua các thời kỳ nghỉ hưu trên địa bàn huyện Hưng Nguyên và Thành phố Vinh. Các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện uỷ, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ, Trưởng các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện; Các đồng chí  Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Anh-tin-bai

 

Đồng chí Lê Phạm Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc 

           Tại buổi tọa đàm, các tham luận đã ôn lại lịch sử ra đời tên gọi Hưng Nguyên, quá trình xây dựng và phát triển của huyện trong suốt 555 năm qua. Tên gọi Hưng Nguyên ra đời vào năm 1469, khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ hành chính của cả nước. Huyện Hưng Nguyên thuộc phủ Anh Đô của thừa tuyên Nghệ An, 1 trong 12 thừa tuyên của nước Đại Việt. “Hưng Nguyên” có ý nghĩa là “Ngọn nguồn, chảy mãi, Hưng thịnh và phát triển”. Gắn với các bước thăng trầm của lịch sử, bản đồ Hưng Nguyên đã nhiều lần điều chỉnh. Trong khoảng 450 năm đầu, kể từ khi có tên gọi, thì Bản đồ Hưng Nguyên khá ổn định và rộng lớn, bao hàm cả một phần của huyện Nghi Lộc, huyện Nam Đàn và Thành phố Vinh ngày nay. Khi đó, Hưng Nguyên có 7 tổng và 96 xã. Dưới thời Pháp thuộc vào năm 1911, huyện Hưng Nguyên được đổi thành phủ Hưng Nguyên; nhưng dưới Phủ vẫn là Tổng.

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Từ sau năm 1911 đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945, bản đồ Hưng Nguyên tiếp tục được điều chỉnh từ 7 Tổng còn lại 6 Tổng, trong đó chuyển hai Tổng Cảo Trình và La Hoàng về huyện Nghi Lộc, sáp nhập Tổng Yên Trường của huyện Nghi Lộc về huyện Hưng Nguyên, lúc bấy giờ Thị xã Vinh nằm gọn giữa huyện Hưng Nguyên. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến nay, tiếp tục điều chỉnh và đã lần lượt sáp nhập 8 xã của huyện Hưng Nguyên vào Thành Phố Vinh. Hiện tại, huyện Hưng Nguyên có 17 xã và 1 thị trấn, với tổng dân số hơn 130.000 người, trong đó có gần 21% đồng bào theo đạo Thiên Chúa giáo; Tổng diện dích tự nhiên 159,2km2.

Từ thời nhà Lê đến thời nhà Nguyễn toàn huyện có 13 người đậu Tiến sĩ và Phó bảng, 26 người đậu Hương cống và Cử nhân, hàng trăm người đậu Tú tài. Trong số đó có Tướng công Đinh Bạt Tuỵ, đậu đầu khoá thi đặc biệt năm 1554, văn võ song toàn. Có Nguyễn Trường Tộ - người công giáo Việt Nam, có lòng yêu nước nồng nàn, có tư tưởng canh tân lỗi lạc. Có Mẹ Lân - người làng Phúc Hậu, xã Hưng Xuân - người phụ nữ đã đem 03 ngàn nén vàng và tiền, bán hai trăm mẫu ruộng đóng góp cho con rể là Lê Ninh để chiêu mộ nghĩa quân, mua sắm vũ khí đánh Pháp dưới thời Cần Vương.

Anh-tin-bai

 

Đồng chí Thái Huy Bích - Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tham luận

Nhân dân Hưng Nguyên hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông  Du và xuất dương. Nhiều người con ưu tú đã anh dũng hy sinh như Bang Lân, Tác Việng, Nguyễn Huy Chước, Trần Diệm, Ngô Thúc Thiêm, Phạm Hồng Thái,… Nhiều người trở thành cán bộ ưu tú của Đảng như Lê Thiết Hùng, Ngô Thúc Tuân, Nguyễn Thị Tích. Nhất là có đồng chí Lê Hồng Phong đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng, uỷ viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản và vợ là Nguyễn Thị Minh Khai- Bí thư Thành uỷ Sài Gòn Gia Định.

Từ ngày có Đảng ra đời, các cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột của Nhân dân ta đã có tổ chức và lãnh đạo; tiêu biểu là cuộc biểu tình của 2 vạn nông dân Hưng Nguyên vào ngày 12 tháng 9 năm 1930. Thực dân Pháp đã đàn áp cuộc biểu tình làm 217 nông Hội đỏ bị hy sinh. Cuộc biểu tình 12/9 là đỉnh cao của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đã vang dội cả Thế Giới và đã để lại mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Anh-tin-bai

 

Không gian Hưng Nguyên xanh 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhân dân Hưng Nguyên đã luôn hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ với Tổ quốc. Có hàng vạn Thanh niên và quần chúng cách mạng đi làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại các chiến trường, trong đó có 2.732 liệt sỹ, 3.409 thương binh, bệnh binh; 1.181 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam, có 80 cán bộ Lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa, 89 người tham gia kháng chiến bị địch bắt và tù đày; hơn 20.000 người và gần 8.000 gia đình được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, 143 mẹ liệt sỹ, được phong tặng và truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 5 cá nhân được phong tặng AHLLVT Nhân dân và 1 Anh hùng lao động, Huyện Hưng Nguyên và 11 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Huyện Hưng Nguyên được phong tặng Huân chương lao động hạng nhất.

Anh-tin-bai

Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt từ khi có công cuộc đổi mới, kinh tế - xã hội của huyện nhà ngày một phát triển, tính đến năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16,5%, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng: Nông, lâm, ngư chiếm 14,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 54,7%; dịch vụ chiếm 31,1%. Toàn huyện có 17/17 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 4xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 01 xã NTM kiểu mẫu và Thị Trấn được công nhận Đô thị văn minh. Huyện Hưng Nguyên đang hoàn thiện hồ sơ được công nhận huyện Nông thôn mới vào cuối năm 2024. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển mạnh mẽ, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị vững mạnh, Đảng bộ Huyện liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Đảng bộ vững mạnh.

Anh-tin-bai

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại lễ tọa đàm, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận những kết quả mà Hưng Nguyên đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị thời gian tới huyện Hưng Nguyên một số vấn đề Tiếp tục giữ vững, phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng bộ và phát huy sức mạnh Đại đoàn kết trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, con em Hưng Nguyên trong và ngoài huyện để tạo sức mạnh nội sinh đưa Hưng Nguyên phát triển. Tập trung rà soát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng đảng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hưng Nguyên khóa 29, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Quan tâm  việc thực hiện tốt Kế hoạch 588, ngày 10/8/2023 của UBND tỉnh về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cùng với đó, kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học từ ngàn xưa, cần quan tâm đến giáo dục đào tạo. Đồng thời cần phải quan tâm, bổ sung quy hoạch đô thị vệ tinh cho thành phố Vinh, để phát triển Hưng Nguyên một trong những đô thị của tỉnh. Tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Hưng Nguyên ngày càng phát triển và bền vững.

Anh-tin-bai

Đồng chí Nguyễn Trường Giang - Ủy viên Ban 

          Tọa đàm 555 năm Danh xưng Hưng Nguyên là dịp để  ôn lại những dấu mốc quan trọng, một chặng đường lịch sử vẻ vang mà biết bao thế hệ đã đổ công sức, xương máu đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù xâm lược để bảo vệ, dựng xây, vun đắp một Hưng Nguyên có bề dày lịch sử, truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạnh. Là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Nguyên ôn lại, hiểu hơn, trân quý hơn truyền thống lịch sử của quê hương; vững tin, quyết tâm chung sức, chung lòng hơn để xây dựng Hưng Nguyên ngày càng phát triển.

Anh-tin-bai

Các đồng chí lãnh đạo huyện chụp ảnh lưu niệm cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh

Trong thời gian tới, đề nghị toàn Đảng bộ huyện bám sát các Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2023, tầm nhìn đến 2024; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Chương trình hành động số 68-CTr/TU, ngày 15/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX.

Anh-tin-bai

Các đồng chí lãnh đạo huyện chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ

Tập trung phát triển kinh tế của huyện theo hướng phát triển toàn diện cả công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế- xã hội. Đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật kỷ cương. Tập trung xây dựng huyện Nông thôn mới, xây dựng xã Hưng Nghĩa và Hưng Đạo đạt chuẩn NTM nâng cao, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện khá của tỉnh./.

Kiều Hoa

 

 

THÔNG BÁO
Đăng nhập

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN HƯNG NGUYÊN
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó chủ tịch UBND Huyện
Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Huyện Hưng Nguyên

Trụ sở: Khối 5 - Thị trấn Hưng Nguyên - huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
Điện thoại: 0945491201; 0971453015 - Email: daihungnguyen2018@gmail.com